23 juin 2014

Ảo tưởng nước lớn

Ngô Nhân Dụng
Khi xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc bùng lên vì giàn khoan dầu HD-981, một nhà báo ngoại quốc đến Việt Nam tìm hiểu dư luận đã thuật lời Tiến Sĩ Nguyễn Quang A nói, “Họ có máu xâm lăng, còn máu chúng tôi là kháng cự” (nhà báo thuật bằng tiếng Anh: Invasion is in their blood, and resistance is in our blood). Ông Nguyễn Quang A đúng là người Việt.
Tuần rồi thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) đi thăm vương quốc Anh, ông tuyên bố ở London (ngày 18 tháng 6, 2014) rằng, “Trong máu người Trung Hoa không có óc bành trướng” (bản tin tiếng Anh dịch là: Expansion is not in the Chinese DNA). Cụ Lý này không học lịch sử nước Tàu. Các sử gia Trung Quốc đều công nhận rằng khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc thì lãnh thổ của nước Tàu chưa lớn bằng một phần ba diện tích bây giờ. Nếu không bành trướng thì từ 2200 nay làm sao nước ông nó cứ lan rộng ra như vậy?
Nhưng phản bác những lời gian dối của Lý Khắc Cường không có nghĩa là phải nói ngược lại rằng người Trung Hoa có máu bành trướng. Máu huyết (DNA) của người dân miền Nam và Bắc Trung Quốc vốn khác nhau; cũng như họ khác máu huyết người Việt Nam. Hơn nữa, nếu để sống bình yên, no đủ, chắc không người dân nước nào muốn đi xâm chiếm nước khác. Các cuộc xâm lăng đều do bọn vua quan chủ trương, từ thời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Ðế cho đến thời Mao Trạch Ðông; dân chúng bình thường là những người bị hy sinh. Nhưng bọn vua quan luôn luôn tìm cách kích thích tự ái tập thể của người dân, khiến họ xông ra mặt trận chết cho đám vua quan hưởng thụ. Vua chúa nước Tàu vẫn tự nhận là “Thiên tử” theo mệnh Trời thúc đẩy dân chúng đi lính, ra trận, để bành trướng quyền hành của họ. Họ xưng tên là Ðại Hán, Ðại Ðường, Ðại Tống, Ðại Nguyên, Ðại Minh, Ðại Thanh. Lối đặt tên này khiến người dân có thể quên cảnh nghèo đói, quên cảnh bị đè nén, vì tưởng rằng họ cũng được chia sẻ chữ “Ðại” này. Dân Trung Hoa nuôi ảo tưởng là dân một “nước lớn,” danh giá hơn và có quyền ngồi trên các sắc dân “man di” ở chung quanh.
Chúng ta có thể hiểu được tại sao người dân dễ bị huyễn hoặc vì cái ảo tưởng đó. Con người rất dễ bị kích thích khiến ngã mạn tập thể trương phồng lên và bị mờ mắt. Coi các trận đá banh trong giải Túc Cầu Thế Giới (World Cup) chúng ta thấy khán các khán giả ủng hộ đội banh của mình có lúc như điên cuồng. Các lãnh tụ Phát Xít, quân phiệt, độc tài đều biết khai thác tâm lý đó.
Các lãnh tụ Trung Cộng vẫn tiếp tục con đường của các hoàng đế Trung Hoa. Mao Trạch Ðông tuyên truyền cho dân Trung Quốc nghĩ rằng họ dẫn đầu thế giới, dạy cả nhân loại làm cách mạng. Dân Trung Hoa đã từng điên cuồng theo một chủ nghĩa cộng sản do Mao biến chế từ sách vở Mác, Lê Nin, làm thành một đặc sản chỉ nước Tàu mới có. Mao tạo cho dân Trung Hoa ảo tưởng họ đang lãnh đạo một cuộc giải phóng cả thế giới. Trong cuốn Ðứng Vững Ngàn Năm, chúng tôi đã viết một chương về quan niệm Bình Thiên Hạ mà các hoàng đế Trung Hoa dùng để chinh phục các nước lân bang; để nhắc nhở rằng chủ nghĩa Mao Trạch Ðông cũng giống như vậy.
Ngày nay, các lãnh tụ Trung Cộng vẫn tiếp tục mê hoặc dân như vậy; thay thế chủ nghĩa cộng sản viển vông bằng tinh thần đề cao chủng tộc. Các quan chức Trung Cộng đã nhiều lần nói với đại diện của các nước Ðông Nam Á, tại các hội nghị ASEAN, rằng họ phải biết Trung Quốc là một “nước lớn,” còn họ chỉ là những “nước nhỏ.” Gieo vào đầu óc người dân Trung Hoa mối phân biệt “nước lớn,” “nước nhỏ” sẽ mê hoặc được họ, để quên cảnh tham nhũng, bất công diễn ra hàng ngày.
Một phụ nữ Việt Nam đang làm việc ở Trung Quốc trong tháng qua đã trở thành nạn nhân của ảo tưởng nước lớn của dân Trung Hoa, do bộ máy tuyên truyền cộng sản nhào nặn. Trên Nhật báo The New York Times, ngày 30 tháng 5 năm 2014, ký giả Didikirsten Tatlow thuật lài lời cô Thanhtu Dao (tên Việt Nam là Ðào Thanh Tú?) kể chuyện cô bị người Trung Hoa đe dọa và phỉ báng sau khi xảy ra vụ giàn khoan HD-981. Cô Ðào đang làm ở Thẩm Quyến, trong phòng trưng bày sản phẩm thương mại của một công ty Việt Nam. Cô viết truyện của mình gửi cho tòa báo. Ngay giữa tháng 5, nhiều người Trung Hoa đã ghé vào nạt nộ cô, nhắc nhở cô rằng Trung Quốc là một nước lớn, còn Việt Nam là một nước nhỏ. Trên thế giới không có nước nào dậy dân ăn nói như vậy. Các cầu thủ Tây Ban Nha khi gặp cầu thủ Chile có nói, “Nước tao lớn, nước mày nhỏ” hay không?
Không những thế, cô Ðào còn bị nhiều người Trung Hoa đến sỉ nhục. Một người đàn ông 60 tuổi chỉ mặt cô mắng rằng, “Mày, người Việt Nam mày phản bội Trung Quốc chúng tao!” Cô Ðào viết. Một phụ nữ đến gian hàng tôi hỏi, “Cô người Việt Nam phải không?” Cô trả lời, “Phải.” Hừm, sao cô trông giống người Trung Hoa mà cũng nói được cả tiếng Trung Hoa!” “Tôi học.” Bà kia lên giọng, “Người Việt Nam xấu, xấu lắm, mấy người dám khiêu khích một đại quốc như chúng tôi, Trung Quốc. Cô biết không? Ngay nước Mỹ cũng phải kính trọng nước chúng tôi!” Một người đàn ông Trung Hoa thì khoe rằng anh ta đã sang đánh Việt Nam năm 1979. Anh ta khoe đã đánh người Việt như thế nào. “Tôi đá đít bao nhiêu thằng lính Việt Nam. Cô biết không, chúng nó sợ tôi chết được.”
Cô Ðào tự nhận rằng cô đang bị đối xử như người thiểu số Uighur ở Tân Cương, cô sống những ngày “Uighur-Vietnamese days.” Tại hội chợ triển lãm Thẩm Quyến, một gian hàng bị dẹp bỏ sau khi người ta biết chủ nhân là một người Uighur, mặc dù đó cũng là một công dân Trung Quốc. Sau ngày các công ty Trung Hoa ở Bình Dương bị đốt phá, nhiều người Trung Hoa đã đi tìm người Việt để “trả thù.” Chuyện trả thù đã xảy ra ở Ðồng Quan, tỉnh Quảng Ðông.
Những người dân Trung Hoa trên đây bị các lãnh tụ huyễn hoặc không khác gì đám lính đi theo Mã Viện sang xâm chiếm nước ta vào thế kỷ thứ nhất. Không khác gì đám lính do Minh Thành Tổ sang chiếm nước ta vào thế kỷ 15. Tự ái tập thể của họ được khích động, một phần cũng là phản ứng sau khi nước Trung Hoa bị các nước Tây phương chèn ép nhục nhã.
Một cuốn sách biểu lộ nỗi bất mãn của người Trung Hoa, nhắm thúc đẩy tinh thần đề cao chủng tộc được xuất bản năm 2009, nhan đề là “Trung Quốc Không Vui” (Trung Quốc Bất Cao Hứng). Các tác giả Vương Tiểu Ðông, Tống Hiểu Quân, Hoàng Kỉ Tô, Tống Cường và Lưu Ngưỡng vào năm 1996 từng in cuốn “Trung Quốc Dám Nói Không” (Trung Quốc Năng Cấu Thuyết Bất). Họ bày tỏ nỗi uất ức về địa vị của nước họ trên trường quốc tế. Các tác giả trên đưa ra viễn kiến trong 30 năm tới, cho rằng Trung Quốc phải có chí lớn, đã đến lúc phải “thay Trời hành đạo!” 
Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam ngày nay vẫn chưa thoát khỏi thứ gông xiềng mà đảng cộng sản đã đặt vào cổ dân ta từ năm 1950. Cho nên, ngay trong việc tiếp đón Dương Khiết Trì vừa qua, cộng sản Việt Nam hoàn toàn bị Trung Cộng đưa vào thế thụ động. Trong lúc Dương Khiết Trì rời khỏi Việt Nam thì báo chí Trung Cộng mô tả như ông ta mới đi dạy cho người Việt Nam một bài học. Họ còn nói rằng sau khi được dạy dỗ, giới lãnh đạo Việt Nam đã thay đổi; bài trong Tân Hoa xã nói rằng, “Việt Nam và Trung Quốc đồng ý sẽ thu xếp các vấn đề song phương và không quốc tế hóa các xung đột ở Nam Hải.”
Báo chí Trung Cộng còn mô tả chuyến đi của Dương Khiết Trì không phải chỉ là một công tác ngoại giao mà còn mang tính chất giáo huấn. Ðài truyền hình CCTV nói rằng Dương Khiết Trì đã giúp cho việc bang giao giữa Trung Quốc và Việt Nam trở về con đường chính đáng như trong những năm trước đây.” Tạp chí Hoàn Cầu thì mô tả chuyến đi này là một quà tặng cho nước Việt Nam giúp người Việt “có thêm một cơ hội tự kiềm chế trước khi quá muộn.” Tờ báo này còn dùng hình ảnh bóng bẩy, nói Dương Khiết Trì làm công việc khuyên “đứa con đi hoang hãy trở về nhà.” 

Cô Ðào Thanh Tú là nạn nhân của một chính sách ngoại giao sai lầm từ khi đảng Cộng Sản Việt Nam tôn thờ chủ nghĩa Mao Trạch Ðông. Họ chọn tư tưởng Mao Trạch Ðông làm chỉ đạo; đón cố vấn Trung Cộng sang Việt Nam chỉ huy cuộc cải cách ruộng đất. Muốn thoát khỏi chủ nghĩa nước lớn của họ, phải thay đổi chế độ thì mới xóa bỏ tất cả gông xiềng quá khứ.