24 juillet 2014

Phụ thuộc thị trường Trung Quốc: Sắn Việt Nam chết đứng!

Nguồn: Đất Việt


Hiếu Lam  
Mấy năm gần đây cây sắn phát triển mạnh, được trồng rộng rãi từ Bắc tới Nam với tổng diện tích lên tới 560.000ha. Được Bộ Công thương đưa vào danh mục 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ đô la, sắn là mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu lớn thứ ba của nước ta sau gạo và cà phê. Thế nhưng, cũng giống như những ngành hàng khác sắn Việt Nam đang rơi vào tình trạng bị "ế" do TQ giảm thu mua.

(Doanh nghiệp) - Lượng sắn tồn kho quá lớn, VN phải chấp nhận bán lỗ vì chất lượng không cạnh tranh với nước khác.

Bán rẻ, chịu lỗ

Mấy năm gần đây cây sắn phát triển mạnh, được trồng rộng rãi từ Bắc tới Nam với tổng diện tích lên tới 560.000ha. Được Bộ Công thương đưa vào danh mục 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ đô la, sắn là mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu lớn thứ ba của nước ta sau gạo và cà phê.

Thế nhưng, cũng giống như những ngành hàng khác sắn Việt Nam đang rơi vào tình trạng bị "ế" do TQ giảm thu mua. Theo ông Phạm Vũ Hà - Tổng Thư ký Hiệp hội sắn Việt Nam, tính đến cuối tháng 6/2014 tổng lượng sắn lát tồn kho của VN vào khoảng hơn 300.000 tấn. Tinh bột sắn là 150.000 tấn.
 
                                             Sắn tồn kho lớn do TQ giảm thu mua

Ông Hà cho biết, nguyên nhân chính là do sắn VN bị phụ thuộc chủ yếu vào duy nhất một thị trường TQ, những thị trường khó tính khác như Nhật, Hàn, Nga lại khó tính, đòi hỏi chất lượng cao và nghiêm ngặt trong chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi sản phẩm của VN chưa đáp ứng được.
Có tới 85% sản lượng sắn xuất khẩu của VN là sang thị trường Trung Quốc. Tính đến 20/6, VN xuất khẩu 1,760 triệu tấn, giảm 14% so với năm ngoài và giảm 35% so với năm 2012.
Trước sự ảm đạm kéo dài của thị trường và lượng tồn kho lớn nhiều doanh nghiệp VN phải chấp nhận bán lỗ với giá dưới 420 đô la/1 tấn.
Do đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, còn các doanh nghiệp thương mại thì gần như là phải dừng hoạt động kinh doanh hoàn toàn.
Còn theo báo cáo mới đây của Quảng Ngãi, tinh bột sắn xuất khẩu của tỉnh cũng giảm mạnh do quá lệ thuộc thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, xuất khẩu tinh bột mì 6 tháng qua cũng chỉ được 23.000 tấn, đạt 30% kế hoạch năm.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đầu tháng 9 tới, tỉnh này sẽ đồng loạt tiêu thụ xăng sinh học E5 thay thế cho xăng A92. Vùng nguyên liệu sắn của nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ dần chuyển sang cung ứng cho nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất sản xuất xăng E5 thay vì xuất khẩu thô sang Trung Quốc như hiện nay.

Xuất giảm, chế biến cầm chừng... doanh nghiệp bế tắc

Rơi vào tình trạng tương tự, ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, 6 tháng đầu năm địa phương này xuất khẩu dăm gỗ khoảng 100.000 tấn chỉ đạt 29% kế hoạch năm. Nguyên nhân sự sụt giảm này là giá dăm gỗ quá thấp và thị trường tiêu thụ hạn chế khiến nhiều nhà máy chế biến lâm sản hoạt động cầm chừng.

Ông Sô tính toán, trung bình mỗi ngày 24 nhà máy sản xuất dăm gỗ trong tỉnh thu mua nguyên liệu của nông dân với tổng số tiền khoảng 12 tỷ đồng. Nếu các nhà máy này ngừng thu mua do phía Trung Quốc ép giá hoặc ngừng nhập khẩu mặt hàng này thì người dân sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.


                           Xuất khẩu gỗ dăm Quảng Ngãi cũng rơi vào tình trạng "ế ẩm"

Ông Đào Tấn Huê, Đội trưởng Dịch vụ cảng PTSC tại Khu kinh tế Dung Quất tính toán, nếu mỗi tấn dăm gỗ xuất khẩu đầu năm 2013 có giá 138 USD thì hiện nay giá cao nhất cũng chỉ dừng lại 128 USD, có lúc rớt xuống chỉ còn 122 USD mỗi tấn.
"Do bị phía Trung Quốc ép giá, sức mua lại chậm nên sáu tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu gỗ dăm của địa phương giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái", ông Huê cho hay. Hệ lụy từ việc phát triển nhà máy chế biến dăm gỗ ồ ạt, thiếu quy hoạch bài bản đã đẩy doanh nghiệp lâm vào bế tắc.
Trước bài toán bị ép giá, Quảng Ngãi đang tạo điều kiện cho liên danh hai nhà đầu tư Sojitz (Nhật Bản) và JK (Ấn Độ) đầu tư nhà máy bột giấy với công suất chế biến 200.000 tấn mỗi năm. Dự án có vốn đầu tư hơn 180 triệu USD, xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất chế biến sâu nguyên liệu dăm gỗ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản VN cho biết, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của VN sang TQ đạt cao (năm 2013 đạt 740 triệu đô la) nhưng giá trị tăng thấp, lợi nhuận thu lại thấp và kìm hãm quản lý rừng bền vững.
VN chủ yếu xuất khẩu các loại gỗ nguyên liệu ở dạng sơ chế, chiếm tới 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Theo ông Quyền, thương lái TQ chủ yếu chỉ thu mua các loại sản phẩm gỗ ở dạng sơ chế, áp dụng công nghệ thiết bị lạc hậu không thân thiện với môi trường.
Điều này đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước, dẫn tới tình trạng tranh giành nguyên liệu, đẩy nhiều hộ dân chạy theo lợi nhuận phải chặt hạ cây non để bán cho thương lái TQ.
Đầu tư FDI của TQ vào VN lại chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, lớn nhất là 5 triệu đô la, nhỏ nhất chỉ có 0,1 triệu đô. Ngược lại, DN FDI của TQ chủ yếu kinh doanh nguyên liệu gỗ và các loại vật liệu phụ trợ; các doanh nghiệp này chuyển tải các loại chi tiết sản phẩm gỗ cảu các loại gỗ sơ chế từ TQ sang VN để lắp ráp, hoàn thiện sản phẩm, đóng nhãn xuất xứ từ VN với mục đích trốn thuế và tránh bị kiện bán phá giá khi xuất khẩu sang thị trường các nước Châu Âu.
Do đó, tác động tích cực của FDI TQ đối với doanh nghiệp gỗ VN là rất hạn chế.

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, hai tháng qua, xu hướng xuất khẩu nông sản đã bị chậm lại, dự báo sẽ còn gặp khó khăn hơn. Nguyên nhân do những căng thẳng trên biển Đông, trao đổi một số nông sản hàng hóa giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc gặp khó khăn và xuất khẩu có sự giảm sút.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, đối với những mặt hàng khó khăn sẽ rà soát lại thị trường và chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, làm việc với các nước để tháo gỡ những vướng mắc về kỹ thuật, cũng như vận động các nước để mở cửa thị trường.
Bộ sẽ làm việc với các hiệp hội, các doanh nghiệp để làm rõ các vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng cố gắng hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.