20 juillet 2014

Tranh chấp biển Đông và hội nhập tư pháp quốc tế

Theo Basam

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

*Phần I: Quyền luật định, quyền án định, và quyền thực tế
Tranh chấp Việt-Trung liên quan tới biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa bùng phát, khi ngày 1.5.2014 Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng biển đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý của Việt Nam. Cả hai bên đều dẫn liệu lịch sử, các công ước quốc tế, văn bản giữa 2 nước, viện đến Liên hiệp quốc, trù bị tới toà án, để bảo vệ quyền chủ quyền của mình, đòi bên kia chấm dứt. Quyền đó vì vậy thuộc phạm trù pháp lý, phân theo quy trình giải quyết tranh chấp, gồm có: „quyền luật định“, „quyền án định“, và „quyền thực tế“. Có thể hiểu ba khái niệm trên qua vụ tai nạn ô tô đâm ngược chiều gần đây ở Đức: Hai xe chạy ngược chiều nhau tốc độ 75-81 km/giờ, tới đoạn đường hẹp chỉ 4,56 m, có phân luồng, xe thứ nhất lấn sang luồng xe thứ 2, đâm nó gây tai nạn. Hai bên tranh cãi nhau, xe thứ hai viện dẫn luật giao thông khẳng định mình có quyền chạy trong phạm vi luồng mình, đòi bên kia bồi thường. Xe thứ nhất, cũng viện dẫn luật giao thông quy định tài xế còn phải căn cứ vào tình trạng giao thông để tránh nhau; phần luồng họ quá hẹp phải tránh cây ven đường nên họ có quyền lấn, từ chối bồi thường. Quyền đòi và từ chối bồi thường cả hai viện dẫn từ luật giao thông trên được gọi là „quyền luật định“ áp dụng cho mọi đối tượng mọi hoàn cảnh mà nó điều chỉnh, nên cả hai đều cho mình đúng luật. Đáng tiếc, khi áp dụng vào trường hợp cụ thể này, quyền hai bên đối chọi, loại trừ nhau, gây tranh chấp. Một khi không thể cùng nhau tự giải quyết, thì chỉ còn cách viện tới toà án vốn đóng vai trò trọng tài, không thiên vị bên nào, dùng cán cân công lý đo lường quyền luật định mỗi bên được hưởng, nhằm: – bảo đảm công lý cho cả 2 bên; – đóng vai trò tối hậu chấm dứt tranh chấp.


Toà án điạ phương Landgericht Müchen cho giám định, xác nhận xe thứ nhất lấn đường là phạm luật. Tuy nhiên xe thứ 2, dù chạy trong luồng của mình vẫn có thể lái sang vệ đường 40 cm nữa, để thích ứng với tình trạng giao thông lúc đó; chỉ cần 15 cm thôi thì tai nạn nếu xảy ra cũng chỉ va gương chiếu hậu là cùng. Toà phán: xe thứ 2 có quyền đòi xe thứ nhất bồi thường 70% trị giá thiệt hại; 30% trị giá còn lại xe thứ nhất có quyền từ chối, xe thứ 2 phải tự gánh chịu. Quyền đòi và từ chối bồi thường đó được gọi là „quyền án định“, bị cơ quan công quyền chế tài.
Tuy nhiên, nếu tài xế xe thứ 1 không đóng bảo hiểm, thu nhập và tài sản chỉ đủ trang trải cuộc sống, tức hoàn cảnh bất khả thi, thì nhà nước cũng không được phép chế tài. Trong trường hợp này, quyền án định đòi bồi thường của xe thứ 2 không được thực thi, tức „quyền thực tế“ không có. Ở Đức, sau 30 năm quyền án định đó cũng quá hạn nốt, không thể đòi nợ cho dù xe thứ 1 lúc này có tài sản thu nhập đủ trả. Giải thích tại sao, bên bị thường tìm mọi cách trì hoãn phiên toà, câu thời gian tìm mưu kế để sau này vô hiệu hoá quyền thực tế bên nguyên có thể giành được.
*Phần II: Mục đích chiến lược độc chiếm biển Đông
Vụ tranh chấp bởi Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền EEZ Việt Nam, hoàn toàn xuất phát từ tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa tồn tại nhiều thập niên nay do lịch sử để lại không giải quyết dứt điểm. Do hai bên thoả thuận theo nguyên tắc hoà bình vốn chỉ áp dụng đối với người thiện chí, giữ tín: „dễ trước khó sau“, chứ không dùng biện pháp chắc chắn triệt để, nền tảng gốc rễ giải quyết trước, ngọn râu ria sau; tin tưởng nhau „giữ nguyên hiện trạng“ vô hình trung giữ nguyên tranh chấp tiềm ẩn chứ không cảnh giác loại trừ mọi xung đột có thể nảy sinh từ hiện trạng; và „không liên minh, liên kết với nước nào, để chống nước khác“ vốn được ưa trọng trong một thế giới không tranh chấp, và khi xảy ra cũng chẳng liên quan tới lợi ích nước mình. Trong khi đó, Trung Quốc dù thương lượng kiểu gì thì cũng chỉ là phương tiện nằm đạt mục đích chiến lược độc chiếm biển Đông (xem các tuyên bố của họ), với tiềm lực quân sự, kinh tế vượt trội, bằng mọi thủ đoạn thời chiến, đánh đàm, hoà chiến, mưu mô kiểu „Tam Quốc“ (vụ tranh chấp bãi cạn với Philipin là điển hình, thoả thuận cùng rút, nhưng rốt cuộc Trung Quốc ở lại), bất chấp các công ước quốc tế, mọi thoả thuận song đa phương, sẵn sàng hy sinh bất kỳ mối quan hệ nào, dù chính họ kêu gọi láng giềng hữu nghị, đồng chí, nâng lên tầm cao tới „4 tốt“, „16 chữ vàng“ làm „đại cục“ – trong khi rắp tâm bội tín, biến nó thành „viển vông“. Trước phản ứng của Việt Nam đối với dàn khoan HD 981, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì vẫn khẳng định: Trung Quốc sẽ tiếp tục „sử dụng mọi biện pháp có thể“ để bảo vệ chủ quyền và hoạt động của dàn khoan nằm hoàn toàn trong lãnh hải Trung Quốc. Cảnh báo Việt Nam sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề nếu hợp tác với các nước khác như Hoa Kỳ để chống lại tuyên bố chủ quyền Trung Quốc, hay cùng Philippin kiện cáo. Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đòi „Việt Nam phải đình chỉ quấy nhiễu, thổi phồng bất đồng, gây tranh chấp mới, xử lý và khắc phục tốt hậu quả các vụ bạo lực nghiêm trọng“.
Chiến lược độc chiếm trên không chỉ công khai bằng các tuyên bố, mà được triển khai bài bản trên thực điạ. Gần đây nhất, chỉ sau vụ đặt giàn khoan HD 981 một tháng, Trung Quốc đã khởi công xây dựng sân bay trên đảo Gạc Ma đánh chiếm của Việt Nam 1988. Một khi đi vào hoạt động, họ sẽ xác lập vùng nhận diện phòng không chiếm toàn bộ vùng trời Việt Nam khu vực đó. Tới giữa tháng trước, Trung Quốc làm lễ động thổ xây dựng trường học, bệnh xá trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa. Cùng lúc, đưa 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào hệ thống quản lý đất đai, cho đăng ký quyền sở hữu sử dụng đất. Để chuẩn bị tiền đề cho nó, từ 2 năm trước Trung Quốc đã lập đơn vị hành chính mới Tam Sa, bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa với số dân 1.443 người, nhằm „lục điạ hoá“ đảo không dân trước kia, „bê tông“ hoá đường biên, để bảo đảm chủ quyền dù có bị bác bỏ cũng không thể thực thi, „quyền thực tế“ vẫn thuộc họ. Giàn khoan HD 981 chỉ là bước thí điểm cho „kế hoạch triển khai chừng 50 dàn khoan nữa ở biển Đông“ trong những năm tới. Chính vì vậy, ngay khi giàn khoan HD 981 rút khỏi ngày 16.7.2014, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc „không đưa giàn khoan trở lại“, thì Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung quốc tuyên bố thẳng thừng: „Chuyển giàn khoan là sắp xếp kế hoạch tác nghiệp trên biển của doanh nghiệp hữu quan, không liên quan với bất cứ nhân tố bên ngoài nào. Tác nghiệp kể trên hoàn toàn là công việc trong phạm vi chủ quyền Trung Quốc. Bước tới doanh nghiệp hữu quan sẽ nghiên cứu ấn định phương án làm việc cụ thể giai đoạn tới“.
Chiến lược và thực tiễn triển khai nhất quán, bất di bất dịch trên sẽ quyết định tính chất, mức độ yêu sách của Trung Quốc, và theo đó là nguy cơ biển Đông trong tương lai.
*Phần III: Hoàng Sa, Trường Sa và quyền luật định
Vụ tranh chấp Việt-Trung khởi phát lần này, cả hai đều khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình, „không thể tranh cãi“, „nhân nhượng“ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, trên cơ sở viện dẫn các nguyên tắc thiết lập chủ quyền trích lục từ Điều 2 Hiến chương Liên Hiệp quốc, Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, Thỏa thuận cấp cao 2 nước ngày 11/10/2011, Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) ngày 4/11/2002. Cả hai đều liên tiếp gửi các kháng thư lên Liên hiệp quốc, khẳng định quyền luật định của mình, phản đối hành động bên kia xâm phạm, bằng cách đưa ra những cứ liệu lịch sử „không thể chối cãi“, bao gồm những điểm chủ yếu:
+ Nguồn gốc lịch sử: Phiá Trung Quốc đưa ra ghi chép lịch sử từ thời kỳ Bắc Tống (960-1127), đã thực thi chủ quyền đối với các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa), nhưng không có bản đồ xác định rõ đảo nào, ở đâu, hay chỉ đơn giản mấy đảo ven biển phiá Nam. Tấm bản đồ tỉnh Quảng Đông xuất bản năm 1897 cũng chỉ kéo dài đến đảo Hải Nam. Tới năm 1909 khi phát hiện một doanh nhân Nhật đang khai thác phân chim trên quần đảo Đông Sa (Pratas Islands) giữa Hồng Kông và Đài Loan, tổng đốc tỉnh Quảng Đông mới tổ chức thám hiểm tới quần đảo Hoàng Sa do 2 người Đức dẫn đường ngày 6.6, lấy đó làm cơ sở lịch sử cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Lịch sử Việt Nam ít nhất từ thế kỷ XVII, nhà Nguyễn đã thành lập hải đội Hoàng Sa để khai thác kinh tế và quản lý nhà nước đối với hai quần đảo. Năm 1835, Vua Minh Mạng cho xây chùa „Hoàng Sa tự“ và đặt tượng đá trên quần đảo Hoàng Sa.
+ Các tuyên bố và hành xử: – Ngày 8.3.1921, Toàn quyền Đông Dương ra tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Pháp. – Ngày 30.3.1921, chính quyền quân sự miền Nam Trung Quốc ra quyết định sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào đảo Hải Nam, khởi đầu tranh chấp với Pháp chủ quyền đối với Hoàng Sa, và từ thập niên 1930 với quần đảo Trường Sa; đến năm 1937 bị Pháp yêu cầu đưa ra trọng tài Quốc tế giải quyết nhưng Trung Quốc từ chối. – Năm 1932, Pháp sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên. Đặt trạm khí tượng trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. – Năm 1935, lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố bản đồ nước họ bao gồm cả 4 quần đảo trên Biển Đông. – Năm 1938, Pháp cho đặt bia đá, xây hải đăng, đài khí tượng và đưa đội biên phòng người Việt ra đồn trú ở quần đảo Hoàng Sa. – Tháng 1.1947, Trung Quốc chiếm đóng đảo Phú Lâm; Pháp phản đối đồng thời cho quân chiếm giữ đảo Hoàng Sa (Pattle). – Ngày 1.12.1947, Tưởng Giới Thạch ký sắc lệnh đặt tên Trung Quốc cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuyên bố chúng thuộc lãnh thổ Trung Quốc. – Ngày 14.10.1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao quyền kiểm soát quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho chính phủ Bảo Đại. – Năm 1956, Trung Quốc cho quân chiếm giữ tiếp phía Đông quần đảo Hoàng Sa. – Tháng 4.1956, Pháp rút khỏi Đông Dương trao lại quân đội VNCH tiếp quản nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa. – Ngày 22.8.1956, Tàu HQ04 VNCH ra quần đảo Trường Sa cắm bia chủ quyền, dựng cờ, để bảo vệ trước hành động xâm chiếm của Đài Loan và Philippines. – Ngày 20.10.1956, VNCH đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy, và tới ngày 13.7.1961, sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam. – Từ 17. 01 đến 20.01.1974, Trung Quốc đánh chiếm nốt nhóm đảo phía Tây độc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. – Ngày 19.01.1974, Bộ Ngoại giao VNCH tuyên cáo kêu gọi thế giới lên án Trung Quốc. Sau đó, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng ra tuyên bố, yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng thương lượng. – Từ ngày 13-28.4.1975, Quân giải phóng miền Nam tiếp quản các đảo có quân đội VNCH đóng giữ. – Ngày 05.06.1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, và tới ngày 12.11.1982, Chính phủ Việt Nam đều tuyên bố khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. – Ngày 14.3.1988, Trung Quốc đánh chiếm bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa do Việt Nam quản lý.
+ Các hội nghị quốc tế: – Trước và sau khi Nhật Bản đầu hàng, Tuyên bố Cairo 1943, và Tuyên bố Postdam năm 1945 (có Trung Quốc tham dự) về các quần đảo Nhật chiếm ngoài khơi Thái Bình Dương từ năm 1914 đều không nhắc đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. – Tới Hội nghị San Francisco ký Hòa ước với Nhật, ngày 5.9.1951, với đại diện 51 nước tham dự, đã bác bỏ đề nghị của Ngoại trưởng Liên Xô thừa nhận chủ quyền của CHND Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa và những đảo phía Nam. Đến ngày 7.9, Thủ tướng VNCH Trần Văn Hữu tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, không một nước nào phản đối. Hội nghị Genève lập lại hoà bình ở Đông Dương (1954) có cả Trung Quốc và Việt Nam tham dự khẳng định Việt Nam độc lập và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.
+ Bảo vệ và bác bỏ: Trong cuộc chiến pháp lý, hiển nhiên các bên không chỉ đưa bằng chứng bảo vệ quyền luật định của mình mà còn tìm mọi bằng chứng lợi thế bác bỏ quyền của đối phương dù giá trị của nó do toà án định đoạt.
- Nhằm mục đích đó, Trung Quốc viện dẫn như: – Phát biểu cá nhân của Thứ trưởng Ngoại giao VNDCCH Ung Văn Khiêm ngày 16.5.1956, trong buổi tiếp Đại biện lâm thời Trung Quốc tại Việt Nam, Lý Chí Dân liên quan tới chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. – Văn bản ngày 14.9.1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai về tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc ngày 4.9.1958 (vốn diễn ra trong bối cảnh chiến tranh lạnh về ý thức hệ và chỉ nhằm mục đích đó, không trực tiếp liên quan tới tuyên bố chủ quyền 2 quần đảo). – Tuyên bố ngày 9.5.1965 của Chính phủ VNDCCH về việc Chính phủ Mỹ lập „khu tác chiến“ của quân Mỹ tại Việt Nam (cũng chỉ liên quan tới cuộc chiến lúc đó). – Tập „Bản đồ Thế giới“ do Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam xuất bản tháng 5.1972 (chỉ đơn giản gọi tên 2 quần đảo bằng tiếng Trung). – Sách giáo khoa Địa lý lớp 9 Việt Nam xuất bản 1974, giới thiệu „nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa“ có cả Hoàng Sa, Trường Sa (vốn không phải bằng chứng pháp lý về tuyên bố chủ quyền).
- Phiá Việt Nam viện dẫn: – Cuối thế kỷ 19, hai tầu Bellona và Umeji Maru bị đắm và cướp ở Hoàng Sa đòi Trung Quốc bồi thường, nhưng bị từ chối không thuộc chủ quyền họ. – Năm 1975, Đặng Tiểu Bình trao đổi với TBT Lê Duẩn, tranh chấp biển Đông sẽ thực hiện theo nguyên tắc hiệp thương hữu nghị. Nguyên tắc đó cũng được thể hiện trong bị vong lục Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12.5.1988, nghĩa là thừa nhận tranh chấp và cam kết không sử dụng vũ lực. – Bác bỏ các viện dẫn sai lệch của Trung Quốc về Công thư Phạm Văn Đồng cùng các ấn phẩm bản đồ, sách báo Việt Nam liên quan.
*Phần IV: Quyền án định
Tranh chấp biển Đông viện tới Toà án cũng không ngoài 2 mục đích, chấm dứt vĩnh viễn nó, và bảo vệ công lý như vụ tai nạn ô tô đâm ngược chiều ở Đức nêu ở phần I, tuy nhiên tính chất và mức độ hoàn toàn khác. Vụ tai nạn ô tô chỉ liên quan tới lợi ích 2 cá nhân, trong phạm vi trị giá chiếc ô tô, xảy ra tại một thời điểm, luật pháp chế tài không cho phép tự xử bằng bạo lực, nên buộc phải tự động viện tới toà. Còn tranh chấp biển Đông: 1- trực tiếp liên quan tới chủ quyền quốc gia của 5 nước 6 bên tham gia; 2- chủ quyền này có đặc trưng được xác lập không do dân bản điạ mà từ thực tế chiếm hữu sử dụng đảo (chính vì thế nó nằm ngoài quy luật đấu tranh giành độc lập như ở các nước thuộc điạ trước đây, đời này không giành được thì đời sau); 3- kéo dài hàng thế kỷ nay, chỉ bởi thiếu thoả thuận, hiệp định, công ước, hay án định có hiệu lực chế tài ngăn ngừa; 4- kết qủa, chừng nào các bên tranh chấp không tự ký kết các thoả hiệp phận định chủ quyền hoặc không đạt được quyền án định thì chừng đó vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bất cứ lúc nào cũng có thể bùng nổ chiến tranh, phủ định quyền luật định của nhau, nhất là khi tiềm năng lợi ích khai thác tỏ ra vượt trội so với phí tranh chấp bỏ ra; 5- mà kết cục phần thắng hoặc vai trò quyết định, tất yếu sẽ thuộc về kẻ mạnh. Với chiến lược độc chiếm biển Đông cùng thực tiễn triển khai nó, đồng thời từ chối mọi đàm phán đa phương, quốc tế, Trung Quốc không ngoài chủ đích sử dụng quy luật tất yếu trên. Vì vậy, nếu tương lai ngắn hạn trước mắt không thể đạt được một thoả ước phân định chủ quyền biển đảo có hiệu lực tương tự như một hiệp định cắm mốc biên giới với Trung Quốc, thì các bên tranh chấp khác không còn con đường nào khác ngoài nhanh chóng tìm kiếm quyền án định ở các toà án quốc tế.
Các án lệ quốc tế cho thấy không thiếu những toà án, trọng tài quốc tế tin cậy có thể thụ lý xét xử từng phần (như kiện Trung Quốc vi phạm EEZ, cấm sử dụng bạo lực…) hoặc tổng thể (đòi thừa nhận chủ quyền đảo, vùng đặc quyền kinh tế) liên quan tới tranh chấp biển Đông hiện nay, được nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài nước để cập chi tiết, như: Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) cơ quan xét xử chính của Liên Hợp Quốc, Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Toà án Trọng tài quy định tại Phụ lục VII của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), Toà án Trọng tài Đặc biệt quy định tại Phụ lục VIII của UNCLOS.
Quyền án định thông qua toà án, trọng tài quốc tế phán quyết, được coi là công lý quốc tế, thế giới ủng hộ, dù mỗi bên có bị thiệt hay lợi phần nào so với quyền luật định. Khi và chỉ khi đó, mới có thể chấm dứt được tranh chấp, dập tắt nguy cơ chiến tranh địch hoạ gây tang tóc, điêu linh cho dân chúng, bảo đảm quyền luật định tương quan cho mọi bên tranh chấp. Chậm ngày nào, ngày đó nguy cơ mất thêm quyền luật định biển đảo càng cao, cho tới mất hoàn toàn. Quy luật này đúng ngay cả trong quan hệ gia đình, người vợ nào để cho chồng đánh được một lần mà không bị hề hấn gì, thì người đó sẽ bị đánh suốt đời. Giàn khoan Trung Quốc HD 981 đã kéo sâu vào vùng đặc quyền kinh tế EEZ Việt Nam được một lần „n“ thành công, thì không có lý gì không lặp lại lần „n+1“ tại bất cứ ở đâu, chỉ cần lấy đảo đánh chiếm được làm tâm quay một vòng tròn bán kính 200 hải lý. Và nếu sau này giả định có đạt được quyền án định đi chăng nữa, thì quyền thực tế cũng mất nốt, nếu Trung Quốc lấn lướt tiếp, chiếm hữu lâu dài trên thực tế, như trường hợp quá hạn đòi nợ 30 năm nêu ở dẫn liệu phần I.
*Phần V: Quyền thực tế
Một khi đã chọn toà án làm cán cân công lý thì phải chấp nhận phán quyết dù có bị thua thiệt so với quyền luật định. Nhưng chắc chắn thua thiệt đó bù đắp được cái giá tranh chấp phải trả nếu không có quyền án định – ít nhất đúng với bên yếu. Ngay cả khi một bên không tham gia kiện hoặc tham gia nhưng không thừa nhận án quyết, thậm chí ngay cả ra án quyết cũng không có chế tài thi hành án, tức bên thắng không giành được quyền thực tế ngay, thì vẫn giành được điều quý giá nhất làm nền tảng – công lý, thế giới ủng hộ. Chỉ khi đó mới có thể nói tới chính nghĩa, tranh thủ được quốc tế, huy động được đồng thời cả 3 yếu tố, thiên thời, điạ lợi, nhân hoà để tiếp tục đấu tranh giành quyền thực tế.
Trên thực tế, ngay cả toà Công lý Quốc tế ICJ cũng không ít phán quyết không được một bên ủng hộ, như án quyết năm 1971 đòi Nam Phi ngừng chiếm đóng Namibia, bị Nam Phi khước từ, nhưng rốt cuộc Namibia vẫn giành được độc lập năm 1990. Hay 2 năm sau đó, 1973, Pháp chống lại phán quyết tạm thời của ICJ đòi ngừng thử vũ khi hạt nhân trên đảo thuộc họ chiếm đóng Mururoa-Atoll, ở Pazifik. Nhưng tới năm 2000, dưới áp lực quốc tế, Pháp cũng phải tự rút khỏi quần đảo này.
Phần lớn các án quyết ICJ đều mang ý nghĩa quốc tế quan trọng, bảo đảm công lý và chấm dứt vĩnh viễn tranh chấp quốc gia, tránh nguy cơ chiến tranh, như án quyết năm 1980 đứng về phiá Mỹ chống I Ran bắt giam nhân viên ngoại giao Mỹ. Hay bản án giải quyết phần đất tranh chấp giữa 2 nước Tunesien và Libyen. Án quyết giải quyết tranh chấp lãnh hải giữa Mỹ và Kanada vùng Maine-Golf.
Tranh chấp biển giữa 2 quốc gia gần đây nhất được ICJ phán quyết là giữa Rumani và Ukraina đối với vùng biển Đen năm 2009. Theo đó, Rumani được quyền chiếm hữu 79,34% diện tích tranh chấp có trữ lượng khí đốt tới 70 tỷ m3. Cả hai đều hoan nghênh, Ruamani coi mình đã giành được thắng lợi, còn Ukraina phát biểu hài lòng.
Liệu 5 nước và 6 bên tranh chấp hiện nay, nhất là Việt Nam và Philippin đang trực diện với Trung Quốc, có tin tưởng, quyết tâm theo đuổi một phán quyết như thế đối với vùng biển đảo tranh chấp, hay còn trông chờ vào mối quan hệ tình cảm hữu nghị láng giềng được Trung Quốc luôn kêu gọi vì „đại cục“ vốn không có cơ sở pháp lý nào bảo đảm, dễ dàng biến thành „viển vông“ bất cứ lúc nào? Trong khi bản chất tranh chấp cũng như chiến lược độc chiếm biển Đông của Trung Quốc đã được thực chứng không còn phải tranh cãi