20 novembre 2014

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Hai lá thư ngỏ

Nguồn: Theo TBKTSG


Minh Lê 


"Cuối cùng, cháu cảm thấy "học là khổ" vì phải học theo cách nhồi nhét, bị động, bắt buộc. Thầy cô nói A cháu phải tin A, nói B cháu tin B, không cho cháu nghi vấn hay phản biện. Cháu tiếp nhận kiến thức mà không có thời gian tiêu hóa, không có cơ hội ứng dụng thực tế, lâu dần thành thói quen, đâm ra lười suy nghĩ, cũng mất hết sự tò mò với những điều chưa biết - động lực của việc học."

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(TBKTSG Online)- Đó là lá thư tâm sự giữa phụ huynh với thầy giáo. Và trong thư hồi âm của mình, thầy viết: "Thuở tôi còn đi học, thầy cô thường ví mình như "người đưa đò cho học sinh sang sông". Giờ là người đưa đò, tôi luôn sợ mình đưa đò nhầm bến, hay thậm chí không biết đưa học sinh về bến nào".



Thư một phụ huynh gởi thầy giáo:

Thưa Thầy,

Tôi chỉ muốn tâm sự vài nỗi khổ của con tôi - một học sinh bình thường.

Đầu tiên, cháu phải học quá nhiều. Ngoài chương trình chính, cháu còn phải học "tăng tiết”. Trong giờ tăng tiết, chủ yếu chỉ làm bài tập, nên nếu cháu cần hiểu thêm, lại phải "học thêm" tại trường. Từ tiểu học đến trung học, hầu như suốt tuần cháu phải đi học ngày hai buổi, tối phải học bài, còn thời gian đâu cho việc đọc sách, chơi thể thao, học nhạc... để giải trí ? Đầu óc đã quá mệt mỏi do việc học nên giờ cháu chỉ thích chơi những thứ dễ dãi như game, truyện tranh, lướt mạng...

Tiếp theo, phần lớn nội dung học là không thiết thực cho cháu khi tốt nghiệp. Ví dụ, chương trình tiếng Anh lớp 10 đến 12 có phần ngữ pháp nâng cao, không thường gặp trong tiếng Anh thông dụng, nhưng cháu phải học và làm bài kiểm tra. Các môn khác như Toán, Lý, Hóa, thậm chí cả Văn, cũng học ngày càng khó và phức tạp, trong khi các kỹ năng cần thiết để vào đời như cách suy luận, giải quyết một vấn đề, nói trươc đám đông, kỹ năng cư xử... đều không được học.

Cuối cùng, cháu cảm thấy "học là khổ" vì phải học theo cách nhồi nhét, bị động, bắt buộc. Thầy cô nói A cháu phải tin A, nói B cháu tin B, không cho cháu nghi vấn hay phản biện. Cháu tiếp nhận kiến thức mà không có thời gian tiêu hóa, không có cơ hội ứng dụng thực tế, lâu dần thành thói quen, đâm ra lười suy nghĩ, cũng mất hết sự tò mò với những điều chưa biết - động lực của việc học.

Nghe nói Bộ Giáo dục đã làm đề án “đổi mới giáo dục toàn diện" và người ta tranh cãi nhiều lắm. Chắc Thầy biết nhiều hơn tôi, Thầy có nghĩ là họ sẽ giải quyết được những nỗi khổ trên của con tôi không?


Cám ơn Thầy.


Thư thầy giáo gởi phụ huynh:

Thưa Chị,

Là thầy giáo, cũng là phụ huynh, tôi hiểu rõ những điều chị viết. Cho phép tôi được bổ sung vài tâm sự của một người thầy về nỗi khổ của cháu.

Chương trình học hiện nay, đúng là rất nhiều. Tôi cố gắng truyền đạt nội dung, nhưng không đủ thời gian luyện tập kỹ càng cho học sinh. Giờ “tăng tiết”, “học thêm" là để bù lại thời gian thiếu này. Tôi đồng ý với chị, cháu không cần học nhiều như vậy. Nếu giáo viên ra bài kiểm tra tương tự bài tập trong sách, và chương trình có thời gian ôn tập nhiều hơn thay vì chạy theo kiến thức mới, cháu sẽ không cần "học thêm" lẫn "tăng tiết”. Lúc đó, cháu sẽ thư thả để giải trí tinh thần bằng những thứ bổ ích hơn.

Không ai muốn dạy những kiến thức phức tạp và ít sử dụng. Tôi không hiểu tại sao người ta vừa muốn thầy cô dạy những kiến thức khó như vậy, vừa lên án thầy cô "không đủ tiêu chuẩn". Nếu tôi là thầy giáo tiếng Anh, từ năm này qua năm khác phải tập trung dạy ngữ pháp và từ vựng để học sinh đậu kỳ thi của Bộ, làm sao tôi có thời gian luyện nghe và nói cho chính mình, đừng nói cho hơn bốn mươi học sinh mỗi lớp? Nếu nội dung học là thiết thực, và thầy cô được đào tạo để áp dụng nội dung này vào thực tế, tôi tin chắc thầy cô sẽ dạy hay hơn và thuyết phục hơn nhiều. Về kỹ năng cần thiết để vào đời, tôi cũng mong Bộ sẽ đưa vào chương trình học trong tương lai, bởi chính tôi cũng muốn học những kiến thức đó.

Nếu học sinh cảm thấy "học là khổ" thì thầy cô "dạy còn khổ hơn". Chúng tôi được khuyến khích "lấy học sinh làm trung tâm", để học sinh phát triển "tự do và sáng tạo" nhưng không được cung cấp đủ thời gian, công cụ và động lực để làm điều đó. Tôi cũng xót xa như chị, khi nhìn con tôi hăng hái bước vào lớp một, đầy hứng thú với kiến thức, chỉ vài năm sau đã thành cái máy ghi nhớ bài học. Càng xót xa hơn, khi nhớ lại ngày đầu lên lớp, đầy nhiệt tình, giờ cũng sắp biến thành "cái máy dạy".


Tôi không làm ở Bộ, nên dù là thầy giáo cũng không biết nhiều. Những thông tin tôi đọc được trên mạng về đề án đều là những ý tưởng tốt đẹp. Nhưng thực lòng tôi không dám chắc, rằng ba nỗi khổ của học sinh và của thầy cô sẽ được giải quyết "toàn diện" trong đề án này. Thuở tôi còn đi học, thầy cô thường ví mình như "người đưa đò cho học sinh sang sông". Giờ là người đưa đò, tôi luôn sợ mình đưa đò nhầm bến, hay thậm chí không biết đưa học sinh về bến nào.

Hy vọng các phụ huynh ở Bộ Giáo dục, ở Quốc hội, cũng cảm nhận nỗi khổ của con họ như chị và tôi, để họ dứt khoát thay đổi nội dung, cách dạy và cơ chế giáo dục trong lần này. Ba nỗi khổ trên được giải quyết, thì học sinh có thể tự tin "sang sông" vào đời, mà thầy cô cũng tự hào là "người đưa đò” xứng đáng.

Trân trọng.