16 septembre 2015

Thanh niên im lặng, xã hội không thể trưởng thành


Đào Đức Thông 

 
 (VNTB) Tình trạng "im lặng" trước bất công ở một bộ phận dân chúng, nhất là lớp thanh niên trẻ trong xã hội Việt Nam hiện nay, thể hiện một "thực trạng về giác ngộ công dân" trong xã hội.
 
Liệu thanh niên Việt Nam cứ mãi im lặng trước sự bất công. Ảnh: minh họa
 


Thanh niên Việt Nam hôm nay nếu không biết đòi hỏi và đấu tranh cho sự phát triển, sự văn minh, cho tự do, dân chủ và nhân quyền, thì mai sau khi lớp con cháu ta lớn lên, đừng bao giờ đòi hỏi chúng phải làm đạt được điều này, phải có được thứ kia như ý muốn của chúng ta, làm được những cái mà chúng ta chưa làm được.

Bởi vì cơ hội để làm tốt thứ đó đã bị chính chúng ta tước đoạt mất đi khi chúng ta sống cuộc đời của mình bằng cách cúi đầu chấp nhận thừa hưởng chút ân lợi dè sẻn từ những thế lực cai trị bất công và độc đoán. 

Khi con cháu ta càng lớn lên, chúng sẽ hiểu và thấy không thể để cho những điều đó tiếp diễn, càng không thể chấp nhận những con người bậc cha chú với tư tưởng an phận mà cứ dạy chúng, kêu gào và đòi hỏi chúng phải như mong muốn của mình. Không thể đòi hỏi ở người khác thứ mà mình không (dám) làm. 

Nếu quan sát sẽ thấy, thanh niên Việt Nam trong xã hội ngày nay, ngoài một số bạn trẻ và những người tri thức khác, dám xả thân, mạnh mẽ nói lên tiếng nói của tình người, của lẽ phải, của những ước muốn chính đáng về một nền cai trị ôn hòa, văn minh từ Chính phủ, thì còn lại hầu hết là im lặng, như đồng lõa với những đè nén, trói buộc và những bất công. Không có một hành động phản ứng nào từ họ, dù chỉ là ngôn từ. 

Những con người ấy cam chịu sống một cách thụ động và bị động. Họ là thế hệ trẻ, không sống cho lý tưởng và đòi hỏi về một xã hội phát triển, công bằng về mọi cơ hội như nhau về quyền được sống, được đảm bảo an toàn, được làm việc và được mưu cầu hạnh phúc, thì họ tồn tại để làm gì? Phải chăng chỉ để thỏa mãn nhu cầu? 

Trong khi con người khác con vật ở ý thức và tính xã hội hóa, nghĩa là trách nhiệm với cộng đồng và đất nước mà họ mang tên!
 

Vậy, thanh niên ngày nay sống để làm gì?
 

Phải chăng chỉ là ăn, mặc, ở, đi chơi, vui thú, hú hí với tình nhân? Là chấp nhận sợ sệt khi ra đường, van nài khi gặp cảnh sát giao thông, là đưa phong bì khi có việc đến ủy ban phường gặp cán bộ giải quyết công việc? Chấp nhận cho những thói lưu manh, côn đồ xảy ra ngang nhiên và mặc sức? Nhưng, chắc chắn một điều rằng, họ không bao giờ muốn mình sẽ là nạn nhân của những tiêu cực ấy, đến từ một xã hội bất an và loạn lạc. Vậy mà họ lại chấp nhận lẩn tránh cái xấu, cái ác trước mắt mình!!! 

Với tư tưởng sống đầy thực dụng, thanh niên Việt ngày nay đã vô tình biến bản thân thành nhu nhược và bất nhân. Chỉ mong được lợi ích về mình, còn với xã hội chung quanh thì chẳng cần bận tâm! 

Thời nay, gần như cả một thế hệ trẻ Việt Nam, không bằng một anh Chí Phèo trong tiểu thuyết Nam Cao ngày xưa. 

Thanh niên chấp nhận học hết các môn chính trị thiếu thực tế mà họ chán ngán đến tận cổ. Nhưng khi không qua nổi điểm 5 và mất tiền bạc, tốn thời gian học lại thì họ có thể quay ra chửi bới thày cô, trường lớp và chế độ thối nát, một cách thậm tệ không ra gì. 

Họ cũng sẵn sàng mãi lộ trên đường, sẵn sàng lo lót chạy chọt vào trường, vào cơ quan nào đó cho bản thân hoặc người nhà mình, họ tìm mối quan hệ để dành phần thắng trong vụ kiện mà họ sai rành rành không thể chối cãi, họ cũng dúi nhanh vào túi mấy ông bà bác sỹ, y tá khi phải vào viện, họ chấp nhận trả tiền điện, xăng, gas hàng tháng đều đặn với giá cao,... Họ lại chửi xã hội bất công chẳng ra gì, nhưng chỉ dám chửi khi ngồi ở một góc xó nhà hay la cà quán xá thôi. Chứ tuyệt nhiên chẳng dám ho he khi đứng trước quan quyền, thị uy. 

Thanh niên ngày nay đã không dám sống thực và nói lên đúng suy nghĩ của bản thân. Nhân vật Chí Phèo trong tiểu thuyết Nam Cao của thế kỉ trước - một tấn bi kịch của một người nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội phong kiến còn dám đe dọa tên Bá Kiến ác ôn, chữi trời, dám chửi cả làng Vũ Đại, dám sống đúng chất của một tên lưu manh, nhưng muốn đi tìm cái lương thiên và sự thật tâm. 

Không có xã hội, làm sao có cuộc sống. 

Không có xã hội, làm sao có thể làm người.
 

Rồi đến lúc nào đó thanh niên Việt Nam cũng sẽ thấy cái giá họ sẽ phải trả cho việc thờ ơ đối với xã hội như thế nào và hậu quả của việc không dám đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ những người dám đấu tranh vì dân chủ, tự do, vì quyền con người, vì công lý.

 
Nguồn: Theo ijavn