25 décembre 2015

Đâu phải có cái mã tốt hơn là lãnh đạo khá hơn!





“Tôi hy vọng là Đại hội 12 sẽ tập hợp được những người lãnh đạo có năng lực tốt hơn, có bản lĩnh chính trị cao hơn, nói một cách nôm na là có dũng khí mạnh mẽ hơn, để mà cùng với nhân dân, với đất nước tiến lên.” Đó là điều mơ ước của học giả Hà Hoàng Hợp trong buổi nói chuyện (Bàn tròn thứ năm trên BBC).
Nếu ta hiểu thế nào là “năng lực” và “bản lãnh chính trị”, ta sẽ thấy mơ ước này khó trở thành hiện thực. Thế nào là “năng lực tốt” ?


Năng lực (ở con người) có thể nói tới hai khía cạnh : về trí tuệ và về thể chất. Một người có “năng lực tốt” (đại khái như vậy) là một người có trí tuệ mẫn tiệp trong một thân thể mạnh khỏe, cường tráng.
Thế nào là “bản lãnh chính trị” ? Từ “chính trị” là một từ hết sức “nhạy cảm” trong xã hội VN, dưới thời bị ách thực dân hay dưới thời cai trị cộng sản. Chỉ cần bị gán vào tội “làm chính trị”, ngày xưa hay bây giờ cũng vậy, một người có thể bị khép vào trọng tội, mức án có thể lên đến tử hình.
Dưới chế độ thực dân thì toàn bộ quyền hành đất nước (quyền lực chính trị) nằm trong tay người Pháp. Còn dưới chế độ cộng sản (hiện nay) thì mọi quyền lực nhà nước nằm trong tay đảng cộng sản.
“Chính trị” như thế có nghĩa là những hoạt động thuộc về bộ máy chính quyền quốc gia.
Trong một chế độ cộng sản, như VN hiện nay, bất kỳ hoạt động nào liên quan đến quốc gia (nhà nước) đều thuộc về (hay chịu sự lãnh đạo) đảng CSVN.
Trong một chế độ dân chủ tự do, “chính trị” là một “quyền”, được định nghĩa ở điều 21 của bản Tuyên Ngôn phổ cập về Nhân quyền (1948). Theo đó mọi người được quyền bình đẳng về quyền tham gia vào chính quyền, trực tiếp hay gián tiếp (qua các đại biểu).
Điều 21 còn qui định quyền lực của quốc gia là đến từ ý nguyện của người dân (thể hiện qua các lá phiếu).
“Bản lãnh chính trị” như vậy có hai ý nghĩa, tùy theo “chính trị” được thể hiện trong một xã hội dân chủ tự do hay trong xã hội độc tài cộng sản.
Trong một xã hội độc tài cộng sản như VN, mọi quyền lực nhà nước đã tập trung vào đảng. Bản lãnh chính trị là khả năng giành được chức vụ lãnh đạo. Khả năng này là thế nào, chỉ người trong chăn mới biết chăn có rận. Người ngoài chỉ biết được qua những lời tự sự của nhân chứng. Đó là “hậu trường” quyền lực.
Còn trong một xã hội dân chủ tự do, bản lãnh chính trị có thể hiểu như là khả năng giải quyết một vấn đề thuộc về xã hội.
Ai trong đảng CSVN có “năng lực tốt” và “bản lãnh chính trị” ?
Những cái tên “sang trọng hùng dũng” rõ ràng biểu lộ một “năng lực” sung mãn và “bản lãnh” chính trị (cộng sản). Nhưng đó chỉ là cái tên.
Trong vấn đề lãnh đạo, đối nội, người ta chỉ cần người lãnh đạo có khả năng đề ra đáp án để giải quyết một vấn đề của xã hội. Đối ngoại, người ta cần một lãnh đạo biết bảo vệ quyền lợi (và thể diện) quốc gia trước sự cạnh tranh (hay gây hấn) của các quốc gia khác.
Nhân sự đảng CSVN hiện nay có ai có khả năng làm các việc này ?
Lớp trẻ có học mới lên chưa thấy thi thố tài năng, chưa biết. Nhưng lớp già Sang, Trọng, Hùng, Dũng ra sao thì mọi người đã biết.
Đâu phải có cái mã tốt hơn là lãnh đạo khá hơn ? Đâu phải có điệu bộ “hùng dũng” là cần thiết cho đất nước ?
Đại hội 12 đã qua mười mấy kỳ mà nhân sự vẫn chưa “tuyển chọn” xong. Bởi vì tất cả đều “cá đối bằng đầu”, tài năng sàng sàng như nhau. Tứ trụ vẫn chưa giải quyết xong việc ai đi ai ở ?
Có ý kiến cho rằng ông Dũng ở lại lãnh đạo thì tốt hơn. Ý kiến này đặt vấn đề, nếu VN có chiến tranh với TQ, ngoài ông Dũng thì ai có thể đứng trước đầu sóng ngọn gió?
Thật là hết sức sai lầm. Lịch sử chiến tranh chưa hề chấm điểm về bề ngoài của lãnh đạo. Trong những lãnh đạo đại cường Thế chiến II thì Hitler, Stalin, Mussolini… là có bề ngoài uy dũng. Những lãnh đạo khác phe “văn”, tướng mạo “gà rù”, nhưng rốt cục họ chiến thắng và đất nước của họ nhanh chóng trở thành đại cường.
“Trí tuệ” quyết định chớ đâu phải thể xác ?
Mà khi để đất nước lâm vào tình trạng chiến tranh, việc này đã nói lên sự bất tài của lãnh đạo.
Nhưng khi đất nước bị đe dọa, quyền tuyên bố chiến tranh là do quốc hội, chớ không do quyết định của cá nhân lãnh đạo.
Ông Dũng có bề ngoài của con gà trống muốn khoe mẽ, nhưng trong đầu của con gà này có mấy mươi gram chất xám ?
Trở lại cái “hy vọng” của học giả Hà Hoàng Hợp, là ảo vọng, là hái sao trên trời phải không ?.
Đảng CSVN có 4 triệu người. Người có tự trọng, có thực tài… là những người tự đứng trên chính đôi chân của mình, suy nghĩ bằng bộ óc của mình… Người có đạo đức, biết tự trọng, có thực tài… không ai vào đảng cả.
Chính trị là một “quyền” phổ cập của con người, được qui định (điều 21) trong bản Tuyên ngôn phổ cập về Nhân quyền (1948). Tôn trọng và áp dụng quyền này của mọi người dân VN thì ta lo gì việc không tìm ra lãnh đạo “tài năng xuất chúng” và “thể chất mạnh khỏe” ?