25 janvier 2016

VN có thay đổi nếu Thủ tướng Dũng nghỉ hưu?

BBC
24-1-2016
Báo chí quốc tế tiếp tục quan sát và theo dõi kỳ Đại hội 12 đang diễn ra của Đảng CSVN. Photo: AFP
Báo chí quốc tế tiếp tục quan sát và theo dõi kỳ Đại hội 12 đang diễn ra của Đảng CSVN. Photo: AFP
Hà Nội tuần này được trang trí bởi những băng rôn cỡ lớn để chào đón Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam với những khẩu hiệu hân hoan “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc” và báo chí quốc tế tiếp tục có những theo dõi về sự kiện chính trị này.


Ngay sau Đại hội XII khai mạc hôm 21/1, các báo nước ngoài chú ý tin đồn rằng nhiều khả năng thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng sẽ nghỉ hưu, thay vì lên được chức Tổng Bí thư như một số dự đoán trước đây.
Báo mạng Asia Sentinel ngày 22/11 đăng bài của cây bút David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, với tựa “Đại hội Đảng bất ngờ đánh ngã Thủ tướng Dũng”.
Tác giả đặt câu hỏi “bức tranh chính trị sẽ ra sao khi thiếu vắng ông”.
David Brown viết:
“Sau hàng tháng vận động hàng lang gấp rút cho phiếu và ghế, Hội nghị trung ương 14 đặc biệt đã quyết định số thành viên của Ban Chấp hành Trung ương mới (180 chính thức và 20 dự khuyết) cùng các lãnh đạo cao nhất của chính thể.”

Người bạn tận tụy

Tác giả mô tả các đồn đoán trong các quán café và mạng:
“Liệu ông Nguyễn Tấn Dũng có thành công trong nỗ lực táo bạo để tiếp tục 5 năm làm Tổng Bí thư, chức cao nhất của Đảng, sau 10 năm làm thủ tướng?
“Hay ngược lại, liệu đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có huy động được liên minh ‘ai cũng được trừ ông Dũng’?”
David Brown nhận xét Thủ tướng Dũng thành công khi xây dựng cho mình thương hiệu một nhà cải cách, am hiểu truyền thông, một lãnh đạo có khả năng tranh luận lý thuyết phát triển và “niềm tin chiến lược” với giới lãnh đạo quốc tế.
Trong khi đó, theo David Brown, ông Nguyễn Phú Trọng trong quá khứ bị xem là “người bạn tận tụy với Trung Quốc”.
Nhưng khi Bắc Kinh đẩy mạnh sự kiểm soát của mình ở Biển Đông”, ông Trọng cũng hợp tác để đưa Việt Nam tách khỏi Trung Quốc một chút và gần hơn với Mỹ. Ông đã có cuộc gặp Tổng thống Mỹ Obama tại Nhà Trắng năm 2015.
Lúc này David Brown cho rằng ông Dũng đã thất bại, không thể trở thành nhà lãnh đạo mạnh nhất trong Đảng.
Ông dự đoán: “Ông Dũng có thể trở thành đối tượng bị điều tra xem ông đã có bao nhiêu của cải, cất giấu ở đâu, mặc dù theo quy tắc Đảng không săn lùng những người chịu nghỉ hưu.”
David Brown cũng băn khoăn về tiến trình cải tổ chính trị và kinh tế trong 5 năm tới.
“Liệu các lãnh đạo mới sẽ chỉ nói mồm về giảm vai trò trực tiếp của Nhà nước trong kinh tế? Họ có từ bỏ kiểm soát những gì người dân được đọc, được nói? Họ có đoàn kết và ý chí để nắm lấy cơ hội từ việc làm thành viên TPP?”

Cơ hội của Thủ tướng

Bài của hãng tin AP ngày 21/1 lại viết ông Dũng “vẫn còn cơ hội mong manh thách thức đối thủ, là tổng bí thư” nhờ cách diễn giải các quy tắc bầu cử phức tạp tại Đại hội.
AP viết: “Đầu tuần này, người ta cho rằng ông Trọng đã loại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi cuộc đua khi cuộc họp trù bị thông qua quy chế bầu cử: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI nếu không nằm trong danh sách tái cử sẽ không được ứng cử, đề cử và nhận ứng cử.”
Vậy nhưng, những diễn biến vào ngày thứ Năm cho thấy trường hợp của ông Dũng không phải là không có hy vọng khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời báo giới rằng những đại biểu của đại hội XII vẫn có quyền quyết định đề cử nhân sự Ban chấp hành khóa mới.
Kịch bản này đang dựng lên một cuộc đối đầu thật sự giữa hai nhà lãnh đạo.
“Và tất nhiên, những diễn biến của vở kịch này đều xảy ra đằng sau cánh cửa đóng kín. Thậm chí, ngay cả khi có một cuộc đối đầu trực diện, trận chiến cũng sẽ được giàn xếp thông qua nhất trí và thương lượng, thay vì biểu quyết”.
Dù ai đi, ai ở, AP dẫn lời Christian Lewis, chuyên gia về Việt Nam từ Eurasia Group, tổ chức tư vấn rủi ro kinh tế và chính trị đặt ở New York, cho rằng dàn lãnh đạo mới sẽ hỗ trợ các cải cách kinh tế hiện nay, cũng như các chính sách thương mại, đảm bảo cam kết TPP với Mỹ và các thỏa thuận thương mại tự do khác như với Liên minh châu Âu.
Hãng tin Mỹ Bloomberg hôm 21/1 có bài xã luận nói “bất kì ai thắng cử đều sẽ đối mặt với những vấn đề về kinh tế, hệ tư tưởng, cùng với những nguy cơ địa chính trị”.
Vậy nhưng, lãnh đạo mới cũng có hai cơ hội vô cùng to lớn: Cơ hội lớn về nhân khẩu học, khi gần 60% dân số Việt Nam dưới độ tuổi 35. Đây là cơ cấu “dân số vàng”, cứ hai người trong độ tuổi lao động thì nuôi một người phụ thuộc.
Cơ hội lớn thứ hai là về kinh tế với Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bloomberg nhận định nhờ thế, tân tổng bí thư sẽ có một giai đoạn thoải mái lạ thường, và cơ hội rất ngắn ngủi để thúc đẩy những cải cách tham vọng.
“Có những chỉ dấu rằng ít nhất một vài thành viên Đảng Cộng sản hiểu những thách thức và sẵn sàng đối phó. Có thể sẽ không bao giờ có thời điểm tốt đẹp hơn,” hãng tin này nói.