31 mars 2016

Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam phải cải cách thể chế

TS Lê Đăng Doanh trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành



..Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2014 đã có mục phải giảm thông quan qua cảng Việt Nam xuống 12 ngày. Nghị quyết của Chính phủ 12/3/2015 qui định thời thông quan xuống còn 10 ngày. Thế nhưng Hiệp định TPP đã yêu cầu đến năm 2018 thời hạn thông quan phải là 48 giờ. Việc giảm từ 10 ngày xuống 48 giờ là một sự nhảy vọt đòi hỏi phải có sự cải cách, phải có sự đào tạo nhân lực, phải có sự điều hòa giữa các cơ quan hết sức có hiệu quả thì mới có thể thực hiện được. Nếu không thực hiện được cái này thì Việt Nam sẽ không được hưởng lợi các ưu đãi của thương mại tự do thế giới. Tôi nghĩ việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do đó và việc cam kết cải cách thể chế là một hướng đúng đắn mà Việt Nam phải có quyết tâm thực hiện để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh để được hưởng lợi trên các hiệp định thương mại tự do đó... - Ts Lê Đăng Doanh.


 Kinh tế Việt Nam đang trải qua những khó khan rất gay gắt, nợ công, nợ xấu đã ở mức báo động. Ngân sách thu không đủ chi. Năng lực cạnh tranh yếu kém. Trong khi đó tình trạng tham nhũng, lãng phí hầu như không kiểm soát nổi.

Từ Hà Nội, TS Lê Đăng Doanh khẳng định muốn nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam phải cải cách thể chế.

Cuộc phỏng vấn do nhà báo Trần Quang Thành thực hiện. Nội dung như sau - Mời quý vị cùng nghe:



Trần Quang Thành: Xin chào Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Lê Đăng Doanh: Xin chào ông Trần Quang Thành

TQT: Thưa TS Lê Đăng Doanh,

Trong thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong dư luận xã hội đang rộ lên nỗi lo ngại là nợ công, nợ xấu ngày càng vượt trần quá mức qui định. TS Lê Đăng Doanh bình luận vấn đề này như thế nào?

LĐD: Trong kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trong kỳ họp của Quốc hội, Bộ trường Tài chính có trình bày báo cáo về tình hình ngân sách nhà nước và tình hình nợ công. Trong đó chính bản thân Bộ trưởng Tài chính đã nói là ngân sách nhà nước đang leo dây. Nếu dây mà đứt thì rất khó khăn. Chủ tịch Quốc hội cũng đã dùng những ngôn từ rất gay gắt và xã hội thật sư lo lắng về tình hình bội chi ngân sách và vấn đề nợ công.

Bộ trưởng Tài chính đã nói rõ là thu ngân sách không đủ để chi thường xuyên và trả nợ công. Vì vậy để trả nợ cũ bằng cách vay nợ mới để trả thì số nợ ngày càng tăng lên, chứ không phải là giảm đi. Bởi vì phải vay thêm nợ để trả phần nợ trước, rồi lại phải vay tiếp. Đấy là một tình hình rất đáng lo ngại.
Thêm phần nữa dư luận hết sức lo ngại là nợ của chính phủ đã vượt qua ngưỡng an toàn. Tức là vượt qua ngưỡng 50% GDP như Quốc hội đã qui định. Bây giờ nó lên đến mức 50,30%. Ngoài ra mức chi thường xuyên của Việt Nam quá cao. Quốc hội cũng đã chỉ ra lý do là bộ máy quá cồng kềnh; chi tiêu quá lãng phí trong đó có chi thường xuyên mà các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra như là đi nước ngoài quá nhiều. Năm 2015 đi hơn 2.200 đoàn và hiệu quả như thế nào thì không rõ. Đặc biệt hiệu qủa về đầu tư công thấp. Có hiện tượng chỉ số ICEOR - chỉ số vồn cần thiết phải đầu tư để tạo ra mức tăng trưởng GDP mới thì ngày càng tăng lên - Trong khi đó chỉ số TSP - tức là chỉ số về năng suất lao động thì ngày càng giảm đi - Như vậy chúng ta đang phải đầu tư ngày càng nhiều tiền hơn mới tạo ra tổng sản lượng quốc nội mới; trong khi đó năng xuất lao động của chúng ta ngày càng giảm đi.

Vì vậy những vấn đề về kinh tế, về tài chính thật sự đáng báo động. Cần phải có sự phân tích, phải có sự đánh giá tổng thể và phải có những biển pháp cải cách kịp thời trước khi tình hình trở nên quá muộn.

TQT: Thưa TS Lê Đăng Doanh,

Trong phiên họp thường kỳ tháng 3/2016. Và cũng là phiên họp kết thúc nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. ông lại đánh giá khác. Ông nói tình hình kinh tế trong thời gian vừa qua rất là lạc quan, tiến triển rất là tốt đẹp.

Vậy sự đánh giá giữa Quốc hội và Chính phủ có gì khác biệt. Ngay kể cả Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới rồi phát biểu cũng tỏ rất lo ngại về tình hình kinh tế hiện nay. Những sự đánh giá như vậy có điều gì để chúng ta đáng suy nghĩ không ạ?

LĐD: Rõ ràng tình hình kinh tế rất là khó khăn. Tình hình kinh tế của quí I năm nay đã xấu đi một cách rất rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng GDP của quí I thấp hơn quí I năm 2015. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp là -0,3%. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp cũng chỉ khoảng 6%. Tức là thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trước đây là 8%. Vì vậy triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ là khó khăn. Chỉ số lạm phát quí I tăng vọt lên và lên đến mức 1,52%. Với triển vọng khô hạn sản lượng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long lại giảm sút có khả năng làm cho giá gạo tăng lên. Năm nay giá dầu khó có khả năng giảm thấp. Năm 2015 Việt Nam đã được lợi về việc giảm giá dầu cho nên lạm phát thấp và những sản phẩm Việt Nam nhập từ nước ngoài như phân bón, xăng dầu, chất dẻo đều có giá thấp, vì vậy Việt Nam hưởng lợi. Năm nay yếu tố đó không có cho nên Việt Nam năm 2016 có rất nhiều khó khăn đòi hỏi phải có sự cải cách và có quyết tâm rất lớn để bảo đảm được mức độ tăng trưởng; để bảo đảm được công ăn, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2016 này.

TQT: TS Lê Đăng Doanh có bình luận gì về dư luận báo chí nói đến Ngân hàng Thế giới có khả năng cắt vốn viện trợ ODA cho Việt Nam trong năm 2017 và nhiều nước cũng đã bắt đầu thông báo từ giảm dần đến cắt bỏ viện trợ ODA cho Việt Nam?

LĐD: Việt Nam đã gia nhập khối các nước có thu nhập trung bình thấp và GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2015 đã đạt 2.109USD/người. Trong bối cảnh kinh tế thế giới giảm sút, nguồn vốn ODA của các nước bị phân tán. Có những nước đã đề nghị họ phải tính vào nguồn ODA của họ khoản chi cho người tị nạn đến nước họ. Như vậy tức là nguồn tổng ODA sẽ giảm sút cho nên cách có thể tham gia vào nguồn vốn ODA sẽ trở nên rất là khó khan. Ví dụ như các nước cam kết sẵn sảng cung cấp vốn ODA cho các dự án vê khắc phục biến đổi khí hậu, về khô hạn, nước biển dâng cao v.v… Nhưng mà để tham gia vào những dự án đó phải tự xây dựng lại, phải tự thành lập ban điều hành dự án và phải ứng một phần vốn từ ngân sách nước mình. Hiện nay không còn có khả năng tự vẽ ra một dự án rồi các nước sẽ có thể cấp vốn.

Trong tình hình ngân sách Việt Nam khó khăn như thế này thì khả năng Việt Nam thu hút được nguồn vốn ODA bằng cách tự ứng vốn trước và vận hành một cách có hiệu quả khả năng cạnh tranh các dự án của các nước khác là hết sức khó khăn.

Vì vậy cho nên hoàn toàn có lý khi sắp tới đây nguồn vốn ODA có thể dự báo sẽ giảm sút. Ngân hàng Thế giới cũng đã báo là họ sẽ phải giảm đi các nguồn vay ưu đãi và nếu Việt Nam vay thì sẽ phải chịu một cái lãi suất cao hơn có thể là gấp đôi trước đây và thời gian ân hạn tức là thời gian Việt Nam được hưởng không phải trả lãi sẽ rút ngắn lại. Có nghĩa là Việt Nam sẽ phải thực hiện các dự án đó một cách có hiệu quả hơn rất nhiều để có thể sử dụng nguồn vốn ODA này một cách hợp lý. Cho đến nay Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA này không có hiệu quả. Rất nhiều dự án kéo dài và việc vay vốn xây dựng bị đẩy lên cao rất nhiều. Điển hình như dự án đường sắt trên cao ở thủ đô Hà Nội đã kéo dài quá nhiều và lượng vốn đã nâng cao lên hơn gấp đôi. Đây không phải là một trong những trường hợp cá biệt mà còn rất nhiều ví dụ khác có thể nên lên.

TQT: Theo TS Lê Đăng Doang muốn vượt qua những trở ngại, những khó khăn kinh tế Việt Nam đang gặp phải hiện nay thì điều kiện trược tiên phải là gì?

LĐD: Việt Nam đã cam kết tham gia vào các hiệp định thương mại tự do trên thế giới một cách rất sâu rộng. Việt Nam sẽ phải cải cách rất mạnh thể chế để có thể được hưởng những ưu đãi của các hiệp định thương mại đó.

Ví dụ Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2014 đã có mục phải giảm thông quan qua cảng Việt Nam xuống 12 ngày. Nghị quyết của Chính phủ 12/3/2015 qui định thời thông quan xuống còn 10 ngày. Thế nhưng Hiệp định TPP đã yêu cầu đến năm 2018 thời hạn thông quan phải là 48 giờ. Việc giảm từ 10 ngày xuống 48 giờ là một sự nhảy vọt đòi hỏi phải có sự cải cách, phải có sự đào tạo nhân lực, phải có sự điều hòa giữa các cơ quan hết sức có hiệu quả thì mới có thể thực hiện được. Nếu không thực hiện được cái này thì Việt Nam sẽ không được hưởng lợi các ưu đãi của thương mại tự do thế giới. Tôi nghĩ việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do đó và việc cam kết cải cách thể chế là một hướng đúng đắn mà Việt Nam phải có quyết tâm thực hiện để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh để được hưởng lợi trên các hiệp định thương mại tự do đó.

TQT: Xin cảm ơn TS Lê Đăng Doanh.