08 septembre 2016

Băn khoăn dự án cán thép Hoa Sen Cà Ná


Hùng Lê
 
 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan : "Mặt khác, theo bà Lan, ngay cả một số nước đầu tư cho ngành thép thì họ tập trung phát triển những sản phẩm cao cấp, không thuộc những dòng sản phẩm đang dư thừa công suất mà Trung Quốc đưa ra thị trường. Tuy nhiên, để làm những sản phẩm cao cấp đó thì đòi hỏi chi phí đầu tư tốn kém và kỹ thuật cao, nhiều rủi ro cho những nước có công nghệ sản xuất còn thấp như ở Việt Nam."
 
Sản xuất tôn của Hoa Sen Group - Ảnh minh họa: Quốc Hùng
 
 


 
(TBKTSG Online) - Giữa lúc mối quan ngại về sự cố ô nhiễm môi trường từ nhà máy thép Formosa còn âm ỉ thì việc xuất hiện dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận - công suất 16 triệu tấn/năm, mức đầu tư dự kiến hơn 10 tỉ đô la Mỹ - đang làm dấy lên nỗi lo ngại của nhiều người.

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận vừa được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025 gần đây đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai dự án này theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ, với tổng vốn đầu tư lên đến 10,6 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn I của dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019.

Lẽ tất yếu phải có báo cáo nghiên cứu khả thi của chủ đầu tư cũng như khảo sát chi tiết của các bộ ngành về dự án thì các chuyên gia kinh tế, môi trường, giới chuyên môn và nhà hoạch định chiến lược mới có thể đánh giá về tác động và tính hiệu quả của dự án. Tuy nhiên, dự án thép 16 triệu tấn/năm này của Hoa Sen Group ra đời giữa tâm bão ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nhà máy thép Formosa gây ra và thị trường thép thế giới đang lao đao vì hàng triệu tấn thép dư thừa đã khiến cho giới phân tích không khỏi quan ngại về khả năng đảm bảo an toàn môi trường cũng như hiệu quả kinh tế của dự án mang lại.
 

Cam kết của chủ đầu tư
 

Với chủ đầu tư, người đứng đầu tập đoàn Hoa Sen khẳng định vấn đề bảo vệ môi trường được đặt lên trên cả vấn đề chi phí đầu tư. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoa Sen Group Lê Phước Vũ cam kết: "Chúng tôi sẽ không xả thải ra biển, nếu nhà máy của Hoa Sen khi đi vào vận hành mà gây ô nhiễm môi trường thì chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao toàn bộ tài sản cho Nhà nước”.

Trong chương trình “Đối thoại chính sách” trên VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam mới đây, khi nói về dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận, ông Vũ tiếp tục nhấn mạnh: “Tôi nghĩ là chúng ta không thể nào xem nhẹ vấn đền môi trường, môi trường phải được đặt lên trên sự phát triển, đó là vấn đề chắc chắn. Nhưng không phải vì vấn đề môi trường mà chúng ta không phát triển, đó là hai khía cạnh rất rõ ràng. Khi chúng tôi đầu tư, như vậy là cơ hội rất lớn, với vấn đề công nghệ và thiết bị như hiện nay thì đều có thể giải quyết được vấn đề môi trường. Chúng tôi khẳng định sẽ làm dự án này với hết lương tâm, với hết trách nhiệm của chúng tôi. Làm sao để vẫn bảo vệ được môi trường mà vẫn tạo ra được công ăn việc làm, tạo được sự tăng trưởng cho xã hội, cho đất nước”.

Tuy nhiên với những gì mà "người đi trước" là Formosa đã gây ra với môi trường do phát triển dự án thép, thì những cam kết mạnh mẽ của Hoa Sen Group dường như vẫn là sự hoài nghi của nhiều người.
 

Và nỗi lo
 

Từng là thành viên Ban cố vấn Thủ tướng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã bày tỏ nỗi lo ngại rất lớn về việc có thêm dự án sản xuất thép lớn ở vùng biển và bên cạnh khu du lịch. "Tôi mong bản thân nhà đầu tư xem lại và Chính phủ cần cân nhắc kỹ về sự cần thiết của dự án thép này", bà Lan nói.

Dù cam kết của ông Vũ xem ra khá mạnh mẽ và quyết liệt nhưng bà Lan cho rằng một khi thảm họa đã xảy ra rồi, như vụ Formosa, thì sự đền bù của nhà đầu tư có thể phục hồi được môi trường sống của chúng ta ở các vùng biển miền Trung hay không?

Một trong những lý do để Hoa Sen Group có kế hoạch đầu tư dự án thép trên 10 tỉ đô la Mỹ nói trên được cho là do ngành thép trong nước hiện vẫn đang nhập siêu và nhu cầu thép cán nóng, phôi thép ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tái khẳng định cần cân nhắc kỹ và thận trọng và bà tiếp tục bày tỏ sự quan ngại về "rủi ro" ngay cả về hiệu quả kinh tế.

Theo tìm hiểu của bà Lan, trên thế giới, ngành thép đang dư thừa công suất, đáng chú ý là khu vực châu Á với sự khủng hoảng thừa công suất của Trung Quốc thì các nước của khu vực này, nhất là các nước Đông Nam Á như Việt Nam, không nên tính đến chuyện đầu tư vào ngành thép nữa.

Mặt khác, theo bà Lan, ngay cả một số nước đầu tư cho ngành thép thì họ tập trung phát triển những sản phẩm cao cấp, không thuộc những dòng sản phẩm đang dư thừa công suất mà Trung Quốc đưa ra thị trường. Tuy nhiên, để làm những sản phẩm cao cấp đó thì đòi hỏi chi phí đầu tư tốn kém và kỹ thuật cao, nhiều rủi ro cho những nước có công nghệ sản xuất còn thấp như ở Việt Nam.

Nói về dư địa thị trường còn lớn, bà Lan đặt câu hỏi liệu các nhà máy thép trong nước hiện tại đã chạy hết công suất thiết kế chưa? Mặt khác, những tính toán về tăng trưởng kinh tế sử dụng nguyên liệu thép liệu có chính xác để phải mở rộng đầu tư? Đó là chưa kể liệu thép trong nước làm ra có cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc hay không. Không riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền công nghiệp luyện cán thép rất phát triển như Mỹ, Anh, Ấn Độ... vẫn đang lo ngại về tình trạng thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một số chuyên gia trong ngành đề nghị không nêu tên cũng cho rằng có quá nhiều băn khoăn và câu hỏi đặt ra cho nhà đầu tư về tính hiệu quả kinh tế và nguồn vốn đầu tư cho dự án này.

Phối cảnh Khu liên hợp luyện cán cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.
 

Một trong những điểm quan ngại của giới chuyên môn là dự án đặt tại tỉnh Ninh Thuận - một địa phương cằn cỗi, hạn hán quanh năm thì làm sao đáp ứng được nguồn nước hàng ngàn mét khối ngày đêm cho việc sản xuất của dự án. Có ý kiến cho rằng nhà đầu tư sẽ lấy nước biển để sản xuất. Về khoa học, việc lọc nước biển để lấy nước ngọt hiện không khó nhưng xét về bài toán kinh tế liệu có hiệu quả hay không? Tương tự, ngành thép cũng sử dụng năng lượng rất lớn, ai sẽ đầu tư hạ tầng điện năng này cho nhà đầu tư? "Nếu thực hiện dự án, nhà đầu tư có phải tự lo những chuyện cung cấp nước và điện năng, đừng để nhà nước lo dẫn đến thêm những hệ lụy cho xã hội và người dân", bà Lan kiến nghị.

Về thị trường, theo phân tích của các chuyên gia, khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 tạo ra khủng hoảng thừa thép và làm giảm giá sâu. Chiều hướng tiêu dùng thép ở thế giới, theo Hiệp hội Thép thế giới, cũng được dự báo tăng thấp trong hai năm 2015-2016, và ở Trung Quốc, dự báo giảm mỗi năm 0,5%.

Áp lực của Trung Quốc nhằm xuất khẩu khối lượng thép ngày càng dư thừa nhiều (như năm 2014 là 82 triệu tấn) là một trong những lý do chính đưa giá xuống. Để chống lại việc Trung Quốc bán phá giá lượng thép dư thừa, Mỹ đã ấn định thuế nhập khẩu 266% lên một số loại thép của Trung Quốc.

Với giá thép trên 300 đô la Mỹ/tấn như hiện nay, các công ty sản xuất thép trên thế giới chỉ có lãi bằng 1,2% doanh thu, còn công ty Mỹ hoàn toàn lỗ thì liệu rằng Hoa Sen Group sẽ rót nhiều tiền vào công nghệ hiện đại để tăng chi phí đầu tư của dự án nhằm đảm bảo môi trường không bị ảnh hưởng?

Về nguồn vốn đầu tư cho dự án, một số chuyên gia nhận định dù là doanh nghiệp tôn thép lớn của Việt Nam nhưng để có số tiền lên đến 10 tỉ đô la Mỹ thì chắc chắn Hoa Sen phải dựa vào nguồn vốn vay là chính. Là người đến sau, lãi suất vay trong nước cao hơn các nước thì liệu sản phẩm làm ra của Hoa Sen có thể cạnh tranh trong bối cảnh thế giới đang dư thừa thép?

Bên cạnh dự án thép trên 10 tỉ đô la Mỹ này, Hoa Sen Group gần đây còn công bố tham gia vào lĩnh vực bất động sản du lịch với các dự án quy mô lớn tại Bình Định và Yên Bái. “Việc công bố đồng thời hàng loạt các kế hoạch theo những hướng kinh doanh khác nhau gần đây với quy mô vốn lớn, có thể nhiều người sẽ tự hỏi liệu Hoa Sen có thực sự có thể thực hiện toàn bộ các kế hoạch đề ra hay không. Với nguồn vốn chính dự kiến là vốn vay, lưu ý rằng tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của công ty là 1,3 lần, công ty không thể tăng vay nợ đáng kể”, báo cáo từ Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM (HSC) phân tích được báo chí trích dẫn.

HSC cũng cho biết, qua trao đổi với Hoa Sen, tập đoàn cho biết sẽ không phát hành cổ phiếu mới, nguồn vốn tài trợ cho các dự án này sẽ từ phát hành trái phiếu và vay nợ ngân hàng.

Thực tế, trong quá khứ, Hoa Sen đã áp dụng tỷ lệ 70:30 nguồn vốn tự có và vốn vay để đầu tư phát triển các dự án, đối với các siêu dự án yêu cầu lượng vốn vô cùng lớn, Hoa Sen sẽ tăng mạnh vay nợ ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu theo đó tỷ lệ vay nợ của Hoa Sen sẽ tăng lên mức rất cao.

Do đó, theo các chuyên gia trước khi có quyết định cần phải thẩm định, xem xét kỹ lưỡng về năng lực thật sự của nhà đầu tư, cần có Hội đồng Quốc gia, thậm chí thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài để làm rõ vấn đề về môi trường và các thiết bị công nghệ. Nếu không thì dễ dẫn đến khả năng ở Ninh Thuận sẽ có "Formosa" thứ hai vì sản xuất thép không chỉ ô nhiễm nước mà còn ô nhiễm chất thải rắn và khí nữa...
 


Trên các trang mạng xã hội đang xuất hiện thông tin rằng vào giữa năm 2015, Hoa Sen Group cử một đoàn cán bộ đến Ninh Thuận khảo sát địa điểm để thiết kế xây dựng tổ hợp thép Hoa Sen Cà Ná. Đoàn này do ông Nguyễn Văn Quý, khi ấy là Phó tổng giám đốc Hoa Sen Group phụ trách. Thành phần có 6 người quốc tịch Trung Quốc, đến từ CISDI Group. Trong văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Thuận, Hoa Sen cho biết CISDI là đơn vị tư vấn thiết kế.

CISDI Group, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, tổng thầu các dự án xây dựng nhà máy luyện gang thép... có trụ sở ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Tại Việt Nam, CISDI đã tư vấn thiết kế và là nhà thầu xây dựng lò cao số 1, lò cao số 2 - những hạng mục quan trọng trong dự án luyện thép - của Formosa Hà Tĩnh. Máy móc thiết bị, công nghệ của dự án này đều đến từ Trung Quốc. Trang web của CISDI Group cho biết công ty này là công ty con của Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) - nhà thầu chính xây dựng tổ hợp Formosa Hà Tĩnh cũng như dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO) hiện bị đình trệ.

Tuy nhiên những thông tin này chưa được xác nhận.