28 décembre 2016

Đưa niềm vui đến với người nghèo



Ghi chép của Triết Giang

        

Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp- Giám mục giáo phận Vinh gọi điện cho tôi báo tin, Ngài sẽ ra Hà Nội dự lễ Ngân khánh Giám mục Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn- TGM Hà Nội. Ngài mời tôi đi uống cà phê vào sáng 3-12-2016. Tôi nói, có mấy vị Giáo sư hâm mộ Đức cha lắm, cứ dặn, bữa nào Ngài ra Hà Nội, báo tin để chúng tôi đến chào Ngài. Ngài bảo, vậy cứ mời các vị đến cùng. Tôi gọi điện thoại. Các vị nhận lời tới cả. Trong lúc uống cà phê sáng, Đức cha cho biết công việc quá nhiều. Thảm họa môi trường do Formosa gây ra, rồi lũ lụt liên tiếp làm người dân miền Trung kiệt quệ nên giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống phải là ưu tiên số 1 của Tòa Giám mục và các linh mục giáo phận Vinh từ nay đến giáp Tết Đinh Dậu.
 

Ngài cho biết, lễ xong phải vội về ngay vì sáng mai 4-12-2016 phải đi cứu trợ rồi. Hàng chục ngàn suất học bổng cho học sinh, sinh viên phải cấp. Mỗi học sinh cấp 2 được trợ cấp 800 ngàn, cấp 3 được 1,1 triệu và sinh viên đại học được 1,5 triệu. Rồi cả mấy ngàn hộ nghèo. Nhiều giáo xứ cũng được hỗ trợ mỗi xứ vài trăm triệu. Nhiều cá nhân, đoàn thể trong nước và nước ngoài, các đoàn của các giáo xứ, giáo phận khác, các Giám mục Việt Nam …cũng đã về miền Trung để sẻ chia như muốn gửi chút niềm vui đến cho người dân nơi đây dịp đón Giáng sinh 2016 và xuân Đinh Dậu .
 

         Mấy hôm giáp lễ Giáng sinh, Thành phố Hà Nội cũng trích quỹ “Vì người nghèo” để linh mục Antôn Dương Phúc Oanh cùng Mặt trận Tổ quốc thành phố đi tặng quà cho 170 hộ nghèo là người Công giáo trên địa bàn. Mỗi hộ được tặng 1 triệu. Chúng tôi đến nhiều xứ ở Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai và nhờ các cha xứ trao giúp (ảnh dưới). Gặp cha Antôn Vũ Thái San ở xứ Phú Nghĩa cũng là Trưởng ban Caritas của giáo phận Hưng Hóa cho biết, cha vừa đi dự tổng kết của Caritas cả nước. Số liệu tổng hợp cho thấy, đáp lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, giáo dân cả nước đã quyên góp được 50 tỷ đồng cho nạn nhân lũ lụt và môi trường miền Trung. Đây là số tiền rất lớn trong số các lần quyên góp từ trước tới nay. Nó chứng tỏ người dân Việt vốn quảng đại, nhân ái và uy tín của các Giám mục Việt Nam cũng rất cao nên có sức thu hút, lôi cuốn.

         Hôm tôi về Thái Bình dự lễ khánh thành ngôi nhà mẹ của các nữ tu Đaminh Thái Bình, gặp Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ- Giám mục giáo phận Thái Bình. Ngài mời tôi dự Đại hội trẻ em khuyết tật giáo tỉnh miền Bắc, sẽ có 4.000 em quy tụ về Tòa Giám mục trong 2 ngày 17, 18-12-2016. Chỉ riêng tiền tặng mỗi em một gói quà Giáng sinh cũng mất hàng trăm triệu đồng chưa kể, tiền ăn, nghỉ, đi lại, trò chơi trong hai ngày. Lương y Phạm Cao Sơn ở Hà Nội (quê Thái Bình) xin gửi tặng các em 2 tạ thuốc bổ và thuốc bệnh trị giá 400 triệu đồng và 30 triệu tiền mặt. Ông cũng đưa gửi tặng các nữ tu 1 tạ thuốc giá 200 triệu và mấy chục triệu tiền mặt nữa.

         Một linh mục ở giáo xứ Thái Hà nói với tôi, đụng chạm đến tiền nong tế nhị lắm nên giáo xứ cũng không thông báo trên nhà thờ về việc cứu trợ nạn nhân sự cố môi trường Formosa và lũ lụt ở miền Trung mà chỉ âm thầm thông báo trên trang điện tử của giáo xứ. Nhưng giáo dân gặp các cha thúc giục, Giáng sinh sắp đến, lại Tết cổ truyền Đinh Dậu liền kề mà người miền Trung khổ thế, mình không làm gì sao được. Một bà cụ tích cóp tiền để dùng lúc về già xin ủng hộ ngay 120 triệu, nhờ các cha đưa giúp bà con. Vậy là người nọ, mách người kia, nhà xứ cũng gom được 800 triệu để lập một đoàn cứu trợ đi vào miền Trung ngày áp lễ Giáng sinh. Nhóm sinh viên ở Hà Nội, nghe tin trẻ em vùng cao còn khó khăn, thiếu áo ấm trong mùa đông này. Vậy là rủ nhau đi bán hàng quyên góp. Ai đi lễ qua cổng nhà thờ, các em biếu 1 đôi tất, hay 1 chiếc khăn quàng cổ. Nhưng ai nỡ lòng nào nhận không. Vậy là ai cũng gửi lại chút tiền vào quỹ của các em. Ba chủ nhật, các em cũng góp được 30 triệu mua quần áo ấm cho trẻ em vùng cao Bắc Cạn. 

         Một cha đang làm mục vụ ở vùng Bắc Cạn nói với tôi: Nơi con phục vụ rộng quá lại nhiều dân tộc sinh sống nhưng nếu mình quan tâm đến bà con thì bà con sẽ chú ý đến đạo Công giáo của mình. Trên này, theo các giáo phái Tin Lành bị cấm vì chưa được phép của Nhà nước nên người Mông đến hỏi con:

         -Đạo của ông Nhà nước có cấm không?

         Con nói: Đạo của chúng tôi hợp pháp được Nhà nước thừa nhận.

Con đưa cả ảnh ông Trần Đại Quang gặp Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, rồi ảnh ông Chủ tịch nước hội kiến với Đức Giáo hoàng mới hôm tháng 11 vừa qua. Vậy là họ nói, cho họ theo đạo. Con nói, muốn theo đạo phải tìm hiểu về đạo xem có ưng không đã. Vậy là họ về rủ nhau, vợ chồng, con cái anh em làng xóm mấy chục người chở nhau cách xa cả gần 100 cây số xuống xin học đạo. Con giúp chỗ cho họ ăn học cả tuần rồi rửa tội. Lúc về, tính tặng cho mỗi người một chai nước mắm Phan Thiết ngon (do một nhà hảo tâm ở Bắc Ninh gửi biếu) nhưng họ bảo không biết dùng nước mắm, nếu có cho họ cân muối trắng thì quý hơn.  Trong khi giá tiền cả yến muối không bằng chai nước mắm. Vậy là lại phải gọi điện xin dưới Hà Nội, có người gửi biếu cả xe nên cho hẳn mỗi người một yến. Họ thích lắm và nói về sẽ rủ thêm người đi học đạo và xin muối ăn.

Giáo hội Việt Nam trước đây từng được coi là trưởng nữ của Giáo hội tại Á châu nhưng nay danh hiệu này hình như đang biến mất như lời Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên Giám mục Kon Tum phát biểu gần đây vì sự tăng trưởng số giáo dân rất chậm. Ngay từ những năm 1930-1960, tỷ lệ giáo dân đã là 10% dân số nhưng nay tụt xuống chỉ còn 7% (tất nhiên có vài biến động di cư năm 1954, 1975 làm ảnh hưởng chút ít). Nguyên nhân thì nhiều nhưng có một lý do là người Công giáo Việt Nam chưa sống Tin mừng để dân gian nói : “tin đạo chứ không tin kẻ có đạo”. Vì thế thiếu sức lôi cuốn, hấp dẫn.
 

Tôi đã gặp cha JB Nguyễn Tấn Sang của giáo phận Mỹ Tho hiện đang coi xứ Ba Giồng (Tiền Giang). Cha tốt nghiệp đại học văn hóa nên sau khi đi tu được truyền chức linh mục năm 2005, cha đã phát huy ngay sở trường xây dựng chương trình “Tiếng hát vì người nghèo”. Cha đi hát, làm album bán.  Cha mời các ca sĩ có tiếng tham gia. 25 album của cha đã phát hành được 750.000 bản. Rồi cha đi hát khắp trong và ngoài nước để có tiền giúp người nghèo. Đến nay cha đã xây được 300 căn nhà tình nghĩa, tặng 700 xe lăn và xe tay kéo cho người tàn tật, giúp 20 em mổ tim bẩm sinh và giới thiệu 400 trường hợp khác. Cha mở bếp ăn ở giáo xứ, cứ thứ sáu lại nấu 100 suất ăn đưa đến nhà cho người nghèo. Quán cơm Huynh Đệ ở thành phố Mỹ Tho với giá rẻ cho mọi người cũng do cha mở. Một số người vì yêu quý cha đã đến với đạo của cha.

Tôi thật sự xúc động khi đọc thư Giáng sinh của Đức cha Xuân Lộc Giuse Đinh Đức Đạo: “ Giáo phận Xuân Lộc chúng ta sẽ là nơi mọi người kể cả anh chị em lương dân và di dân đều cảm nghiệm được lòng thương xót và không ai không là chứng nhân của Lòng Thương xót. Nhờ đó, người nghèo, người đau khổ, bệnh tật, cụ già neo đơn, các gia đình tăm tối, những cha mẹ khổ đau vì con cái sẽ tìm được sự cảm thông và an ủi. Nhưng người lỡ lầm vẫn được đón nhận và khích lệ để hối cải và biến đổi”. Nói là làm, sáng 24-12-2016, Đức Giám mục ra chợ Long Khánh chúc bình an, phát quà cho tiểu thương và mua vé số cho các em bé bán vé dạo. Ước mong điều này không chỉ ở Xuân Lộc mà ở tất cả 26 giáo phận của Việt Nam để người ngoài Công giáo có cái nhìn thiện cảm hơn với đạo Công giáo và người Công giáo Việt Nam trong năm mới này.

Ngày lễ Noel 2016

T.G