05 janvier 2017

Suy nghĩ cùng ông Phan Diễn: Chúng ta đã vượt qua sự 'kiêu ngạo cộng sản'


Lê Học Lãnh Vân : "Có nhiều người trong giới cầm quyền đã nhìn thấy sự không hợp lý của đường lối đó. Trong dân chúng, cũng có rất nhiều người thấy được. Những tiếng nói được cất lên… Vậy tại sao những tiếng nói trung thực, đầy tâm huyết, đầy tinh thần dấn thân xây dựng xã hội chung lại không thể ngăn cản được đất nước đi lệch khỏi đường ray phát triển đúng hướng ấm no và giàu mạnh?
Theo ông Phan Diễn, chính quyền đã khắc phục được sự “kiêu ngạo cộng sản”. Theo tôi nghĩ, những điều ông Phan Diễn nêu lên mới chỉ là khắc phục những sai lầm của những chủ trương, những chính sách… được quyết định dưới sự “kiêu ngạo cộng cản”, chứ chưa nói trực tiếp tới chính tính “kiêu ngạo cộng sản”."
 
Ông Phan Diễn (phải) thời còn trong tổ giúp việc cho Tổng bí thư Trường Chinh - Ảnh: Vnexpress.net


Đăng bởi: Một Thế Giới



  ​Ngày thứ bảy, 17.12.2016, trang Vnexpress.net đăng những chia sẻ của ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thường trực Ban bí thư, về thời kỳ bao cấp và việc “sắp xếp lại giang sơn” trước ngày đổi mới cách đâu 30 năm.
 

Bài báo đã gợi trong tôi quãng đời của mình thời trẻ trung, đầy lý tưởng ngây thơ, say mê hoạt động cũng như rất nhiều khó khăn và trăn trở lúc đó. Thật ra đề tài này đã được các nhà lãnh đạo trước ông Phan Diễn nêu lên, trong đó ông Võ Văn Kiệt là một thí dụ. Là người từng lăn lộn trong khó khăn để cởi trói cho TP.HCM, và góp phần lớn cởi trói cho cả nước, vị cố Thủ Tướng đã thốt lên những lời nói lay động tâm tình nhiều thế hệ.

Các dòng in nghiêng dưới đây là trích lời ông Phan Diễn:



“Nhắc lại thời bao cấp, tôi nhớ ngay đến sự thiếu thốn, thiếu từ lương thực, mắm muối cho đến hàng tiêu dùng thông thường như cái khăn mặt, bánh xà phòng, cây kim, sợi chỉ…” và “Ở miền Nam, chúng ta quyết định nhanh chóng cải tạo xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế, xoá bỏ kinh tế tư nhân, đẩy mạnh hợp tác hóa, xây dựng rộng rãi các hợp tác xã nông nghiệp”. Bối cảnh xã hội lúc đó là vậy.

Và ông Phan Diễn cho biết quan điểm của mình về những ngày đó:

“Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quyết định tiếp tục áp dụng mô hình của kinh tế miền Bắc. Thực hiện đường lối trên, những năm tiếp theo, đất nước ngày càng gặp nhiều khó khăn, cuối cùng lâm vào khủng hoảng”.


Hiện nay, ai cũng biết rõ và đồng tình với ông Phan Diễn rằng áp dụng “mô hình kinh tế miền Bắc” đã khiến “đất nước ngày càng gặp nhiều khó khăn, cuối cùng lâm vào khủng hoảng”. Do đó bài viết này không bàn thêm về những nguyên nhân và hậu quả đó, về những gian khó mà cả xã hội phải chịu đựng, về những tụt hậu mà đất nước phải gánh chịu. Các nhà viết sử sẽ làm công việc tổng kết này.

Bài này xin thảo luận về hai điểm dưới đây:

1) Có nhiều người trong giới cầm quyền đã nhìn thấy sự không hợp lý của đường lối đó. Trong dân chúng, cũng có rất nhiều người thấy được. Những tiếng nói được cất lên… Vậy tại sao những tiếng nói trung thực, đầy tâm huyết, đầy tinh thần dấn thân xây dựng xã hội chung lại không thể ngăn cản được đất nước đi lệch khỏi đường ray phát triển đúng hướng ấm no và giàu mạnh?

2) Rất sớm sau khi những chính sách đó được ban ra, tác hại lớn của chúng trên sự vận hành đời sống hàng ngày của xã hội được thấy rõ. Một thí dụ là chính sách “ngăn sông cấm chợ”. Trên vùng đất Nam Bộ bao la trù phú, nơi từng là vựa trái cây giàu có, vựa lúa quan trọng bậc nhất Đông Nam Á, nơi có thể sản xuất hàng triệu tấn lúa, nuôi hàng triệu con heo, gà… mà người dân đi từ tỉnh này sang tỉnh khác, thậm chí huyện này sang huyện khác, bị cấm đem theo một ký gạo hay vài trăm gram thịt!

Cả một bộ máy kiểm soát khổng lồ được huy động theo dõi sự đi đường của người dân, kiểm tra từng túi xách của họ. Cả một xã hội sản xuất bị đóng băng lại trong ngơ ngác nhìn nhau, chờ xét hỏi! Lạm phát tăng hai rồi ba con số. Tác hại quá lớn và quá rõ, tại sao các chính sách đó vẫn được tiến hành một thời gian quá dài mặc cho xã hội xôn xao, dân tình bất mãn?

Sự kiêu ngạo khiến người ta chỉ thấy mình là đúng. Do đó nó góp phần khiến người ta không có đủ sự khách quan và tính khoa học trong việc nghiên cứu, xem xét tất cả các khía cạnh của vấn đề, lắng nghe tất cả các tiếng nói phản biện đa chiều. Điều này khiến người ta dễ mắc sai lầm, mà các điều ông Phan Diễn đã nêu là những thí dụ.

Sự kiêu ngạo còn khiến người ta không thấy mình là sai, hay không chịu nhận cái sai của mình. Hệ quả này của sự kiêu ngạo còn nguy hiểm hơn hệ quả trên. Ở người dân, sự kiêu ngạo khiến họ không thèm nghe ai nói trái tai. Ở chính quyền, sự kiêu ngạo khiến họ không nghe lời dân, không chịu nhìn các thể hiện ý muốn của dân, hay thậm chí dập tắt các tiếng nói phản biện!

Theo ông Phan Diễn, chính quyền đã khắc phục được sự “kiêu ngạo cộng sản”. Theo tôi nghĩ, những điều ông Phan Diễn nêu lên mới chỉ là khắc phục những sai lầm của những chủ trương, những chính sách… được quyết định dưới sự “kiêu ngạo cộng cản”, chứ chưa nói trực tiếp tới chính tính “kiêu ngạo cộng sản”. Tính kiêu ngạo rất khó khắc phục, và cần những tác nhân độc lập với chủ thể kiêu ngạo kiểm soát nó. Thí dụ, cần cơ chế để ý muốn của dân chúng được biểu thị rõ ràng hơn mà không có sự cấm cản. Thí dụ cần có cơ chế để dân chúng có thể chọn lựa hoặc bãi miễn những viên chức cao cấp hay những nhà lãnh đạo đưa ra hay đề nghị những đường lối khiến nhân dân “phải đau đớn trả giá”.

Tiếp theo các ý kiến của ông Phan Diễn, có thể cùng nhau suy nghĩ thêm. Nếu không có những “đường lối” khiến “đất nước ngày càng gặp nhiều khó khăn, cuối cùng lâm vào khủng hoảng” thì Việt Nam có phải đợi tới năm 1986 mới có chính sách đổi mới hay không? Bởi vì nội dung chủ yếu của đổi mới về kinh tế là đưa nền kinh tế đất nước từ “theo kế hoạch tập trung” sang “kinh tế thị trường”, mà đó chính là bản chất và nền móng của kinh tế Miền Nam. Nếu lúc đó, thay vì áp dụng “mô hình kinh tế miền Bắc”, Việt Nam cứ thử nghiệm mô hình kinh tế miền Nam tại miền Nam, và sau đó áp dụng ra toàn quốc là đất nước thuận đà phát triển nhanh. Nếu đã làm điều đó, Việt Nam trên thực tế đã tiến hành đổi mới và mở cửa từ 10 năm trước. Lúc đó có phải Việt Nam đã phát triển trước Trung Quốc, và do đó có thể tận dụng rất nhiều thời cơ hóa rồng hay không? Và có phải hiện nay chúng ta có thể có một tư thế tự chủ hơn trên các mặt trận kinh tế, quân sự, ngoại giao… hay không?

Hoan nghênh những chia sẻ của ông Phan Diễn, tôi cũng đồng ý với ông rằng “cuộc sống không có "giá như"…”. Chính vì vậy, bài này không chủ trương phiền trách ai trong quá khứ bởi vì vận mệnh dân tộc đã là vận mệnh chung. 
“Chúng ta không thể chn lựa lịch sử khi sinh ra, nhưng chúng ta có thể chọn lựa những bài học từ lịch sử” (Barack Obama, bài phát biểu tại Trân Châu Cảng ngày 27.12.2016), bài này chỉ muốn tiếp theo lời ông Phan Diễn, cùng với các độc giả thảo luận và chọn bài học thích hợp từ lịch sử để dân tộc ta trong tương lai giảm tới mức thấp nhất những đường lối khiến đất nước “phải đau đớn trả giá”. Và nếu có những đường lối như thế thì chúng ta cũng có thể sửa chữa nhanh nhất và hiệu quả nhất.


Lê Học Lãnh Vân 


*