23 janvier 2017

Tết nghĩ về chuyện nghèo, người nghèo



Nguyễn Quang Đồng: " Những dự án thua lỗ “ngàn tỉ” của doanh nghiệp nhà nước càng góp thêm bằng chứng thuyết phục rằng, đã đến lúc Nhà nước cần rút nhanh ra khỏi lĩnh vực kinh tế. Và quan trọng hơn, hệ thống an sinh xã hội nên được thiết kế lại để “thiên vị” người nghèo chứ không phải tài trợ cho người giàu.
Nhu cầu và văn hóa làm từ thiện - một kênh tự nguyện để “phân phối lại” của cải và thu nhập của người dân - đã định hình và đang lớn mạnh nhanh chóng. Quan niệm đúng đắn về vai trò của các tổ chức xã hội sẽ giải phóng nguồn lực khổng lồ này.
"

 
Sự gia tăng bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư có thể coi là hiệu ứng phụ không tránh khỏi của tiến trình phát triển kinh tế. Ảnh: MAI LƯƠNG

(TBKTSG) - Lại một năm qua đi, những câu chuyện buồn về người nghèo vẫn day dứt.
Bao giờ dịp Tết hết cảnh phát gạo cứu đói cho người nghèo?
Giữa những ngày giáp Tết hối hả, nơi góc ngã tư ken dày người và xe trên đường Trần Hưng Đạo - Phố Huế ở Hà Nội, bất ngờ tôi bắt gặp một xe tải đổ đầy những túi gừng tươi trên lề đường với tấm biểu ngữ in chữ to đập vào mắt: mua gừng của bà con miền núi nhằm ủng hộ bà con đón Tết. Gần mười năm trước, lúc còn làm việc cho một tổ chức thiện nguyện quốc tế, tôi từng thực hiện một dự án hỗ trợ cộng đồng người Mông và người Thái ở Kỳ Sơn, Nghệ An trồng gừng. Nghệ An quê tôi, năm nay tiếp tục là một trong 15 tỉnh “xin” trung ương hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân dịp Tết.

Hơn ba thập kỷ cải cách và phát triển kinh tế, đất nước đã không còn nằm trong danh sách các nước nghèo, nhưng những nhóm người nghèo vẫn còn đó. Và đáng lo ngại hơn, khoảng cách giữa các nhóm nghèo và nhóm dân cư khác đang ngày càng bị nới rộng hơn.

Bất bình đẳng thu nhập nhìn từ những con số
Hệ số Gini - dữ liệu do Ngân hàng Thế giới thu thập, dùng để đo bất bình đẳng thu nhập ở các quốc gia, cho thấy bức tranh về bất bình đẳng ở Việt Nam đã xấu đi trong ba thập niên qua. Tính từ năm 1992, năm chỉ số này bắt đầu được đo đạc đến năm 2012 là năm gần nhất số liệu được công bố, điểm số này đã liên tục tăng thêm - đồng nghĩa với khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư đã mở rộng thêm lên. Nếu năm 1992, Gini là 35,7 thì năm 2002 là 37,3 và một thập kỷ sau - năm 2012 đã tăng lên 38,7. (Gini càng gần về 0, khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm càng nhỏ, và ngược lại, điểm số càng cao, chênh lệch thu nhập càng lớn).
Số liệu từ điều tra mức sống hộ gia đình được thực hiện gần đây nhất của Tổng cục Thống kê (năm 2012) cũng cho thấy, khoảng cách thu nhập giữa 20% nhóm thu nhập cao nhất và 20% nhóm thu nhập thấp nhất là gần 10 lần. Một thập kỷ trước đó, năm 2002, chênh lệch thu nhập giữa hai nhóm là 8 lần. Năm 2017 này, cuộc điều tra mức sống hộ gia đình sẽ được thực hiện. Dữ liệu mới sẽ cho phép tính toán và cập nhật hệ số Gini, nhưng tôi nghĩ chắc chắn rằng, hố ngăn cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân cư sẽ còn tiếp tục nới sâu.

Hơn ba thập kỷ cải cách và phát triển kinh tế, đất nước đã không còn nằm trong danh sách các nước nghèo, nhưng những nhóm người nghèo vẫn còn đó. Và đáng lo ngại hơn, khoảng cách giữa các nhóm nghèo và nhóm dân cư khác đang ngày càng bị nới rộng hơn.
Sự gia tăng bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư có thể coi là hiệu ứng phụ không tránh khỏi của tiến trình phát triển kinh tế. Nhưng chính vì lẽ đó, vai trò của Nhà nước trong giảm bất bình đẳng, thúc đẩy phát triển hài hòa càng được lưu ý. Tuy nhiên, thiết kế chính sách nhằm tái phân phối thu nhập ở Việt Nam, không làm giảm bất bình đẳng, ngược lại đang đào sâu hơn hố ngăn cách này.
Ngay từ năm 2007, một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), thực hiện vào năm 2007, đưa ra một cảnh báo đáng chú ý: các hộ trong nhóm 20% có thu nhập cao nhất nhận được gần 40% lợi ích an sinh xã hội. Ngược lại 20% nghèo nhất lại chỉ nhận chưa đến 7%. Điều này có nghĩa là người càng giàu có lại càng nhận được nhiều phúc lợi xã hội từ ngân sách - điều ngược đời so với mọi nguyên tắc về thiết kế và thực thi chính sách công.
Giáo dục, y tế - với rào cản hộ khẩu là ví dụ tiêu biểu về việc cản trở lao động nhập cư từ nông thôn vào thành thị tiếp cận dịch vụ công. Sự bất hợp lý rất rõ ràng: công nhân, lao động nhập cư - những người thu nhập thấp thì con em họ phải đi học ở nhà trẻ tư, trường học tư với học phí cao. Trong khi đó, con em nhóm khá giả hơn, có hộ khẩu thì phần lớn học trường công, đồng nghĩa với việc nhận phần hỗ trợ nhiều hơn từ ngân sách nhà nước. Tương tự là chuyện sử dụng điện. Người thuê nhà ở thành phố đóng tiền điện cao hơn các hộ dân đô thị khác dù họ dùng điện ít hơn. Lý do là họ dùng một công tơ chung, và do đó, khi áp dụng thang giá điện lũy tiến, nhóm này phải trả nhiều tiền hơn (thật ra cũng có chính sách cho phép những người ở trọ được tách công tơ riêng nhưng điều này phụ thuộc vào ý chí của chủ nhà nên không khả thi trong thực tế). Trong khi điện ở Việt Nam đang được trợ giá, nhóm khá giả, như vậy được hưởng lợi kép: được bao cấp nhiều hơn từ giá cả lẫn số lượng điện năng tiêu thụ theo khung tính lũy tiến.
Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những nước dành chi tiêu ngân sách lớn cho giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội. Xét về tỷ lệ, con số này còn lớn hơn nhiều so với các nước phát triển cũng như các nước khác trong khu vực. Nhưng tỷ lệ lớn, không đồng nghĩa với việc đảm bảo công bằng. Người dân ở đô thị đang tiếp cận nhiều hơn các hỗ trợ so với nhóm nông thôn. Nhóm khá giả đang là nhóm hưởng lợi lớn nhất từ an sinh xã hội chứ không phải là nhóm có thu nhập thấp hơn. Chính sách, mục tiêu là hỗ trợ người nghèo nhưng khi thực thi đã biến dạng thành thiên vị người giàu. Khoảng cách bất bình đẳng không thu hẹp mà còn bị đào sâu.
Phát triển bao trùm bằng cách nào?
Sau hơn ba thập kỷ đổi mới, không thể phủ nhận, Việt Nam đã đạt được những thành công không nhỏ trong phát triển kinh tế. Nhưng miếng bánh tăng trưởng khó có thể nói đã được phân chia một cách công bằng và hợp lý. Đã đến lúc, phát triển bao trùm cần được chuyển hóa từ các tuyên bố và cam kết thành hành động - chính sách cần phải được tính toán và thiết kế lại để đảm bảo mục tiêu phát triển hài hòa, trong đó tăng trưởng kinh tế đi liền với công bằng xã hội. GDP tăng thôi chưa đủ - thành quả tăng trưởng phải được phân phối công bằng hơn cho mọi nhóm dân cư.
Ba thập kỷ đổi mới đã cho Việt Nam những tiền đề quan trọng để làm được điều đó. Khu vực tư nhân trong nước đã lớn mạnh và đủ sức đóng vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế. Những dự án thua lỗ “ngàn tỉ” của doanh nghiệp nhà nước càng góp thêm bằng chứng thuyết phục rằng, đã đến lúc Nhà nước cần rút nhanh ra khỏi lĩnh vực kinh tế. Và quan trọng hơn, hệ thống an sinh xã hội nên được thiết kế lại để “thiên vị” người nghèo chứ không phải tài trợ cho người giàu.
Ba thập kỷ thay đổi cũng đã tạo ra môi trường cho các tổ chức xã hội phát triển. Nhu cầu và văn hóa làm từ thiện - một kênh tự nguyện để “phân phối lại” của cải và thu nhập của người dân - đã định hình và đang lớn mạnh nhanh chóng. Quan niệm đúng đắn về vai trò của các tổ chức xã hội sẽ giải phóng nguồn lực khổng lồ này, để góp thêm một cánh tay giúp Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội.
Đó chính là những tiền đề thiết yếu nhất cho “phát triển bao trùm” - điều kiện để tạo ra phát triển bền vững và hài hòa xã hội: để những ngày Tết không còn cảnh người nghèo chờ gạo cứu đói, để mọi trẻ em đều có áo mới đến trường; để mọi con người - đến lúc chết đi vẫn giữ được phẩm giá tối thiểu của con người; để không còn người nghèo bị bỏ lại đằng sau...