10 mars 2017

Báo Nhân Dân: Blogger tung tin vịt; VOA, BBC, RFA tung hứng


Ảnh chụp màn hình bài viết “‘Tin vịt’ và cái gọi là ‘truyền thông lề dân’” trên báo Nhân Dân.
Ảnh chụp màn hình bài viết “‘Tin vịt’ và cái gọi là ‘truyền thông lề dân’” trên báo Nhân Dân.

Hôm 7/3, báo Nhân Dân có bài nói rằng các cơ quan truyền thông quốc tế như VOA, BBC, RFA tung hứng theo các tin vịt do các blogger Việt Nam phát ra với thủ đoạn bất lương nhằm “chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.”
Tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam còn nói rằng việc các blogger tung tin vịt là “thủ đoạn mà kẻ bất lương thường sử dụng để gây nhiễu loạn thông tin trong xã hội, từ đó làm tổn hại uy tín tổ chức, cá nhân mà họ nhắm vào.”
Trong bài viết có tự đề “‘Tin vịt’ và cái gọi là ‘truyền thông lề dân’”, báo Nhân Dân có nêu tên các blogger như Lê Nguyễn Hương Trà, Nguyễn Anh Tuấn, và Lê Dũng Vova với cáo buộc là họ đã “lan truyền một video clíp quay cảnh một cống thoát có nước màu đỏ, được cho là do ‘phóng viên lề dân’ quay tại khu vực xả thải của Công ty Formosa.”
Từ Hà Nội, blogger Lê Dũng Vova cho VOA biết phản ứng của anh về bào báo này:
“Tôi thì chả bao giờ đọc báo Nhân dân. Đó là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản mà. Lần này, đọc xong buồn cười quá, vì cách làm báo của họ là chụp mũ. Họ cho rằng tất cả những người làm báo mạng, những Facebooker và blogger làm tin là tin vịt. Họ nói là tin vịt mà họ cũng chẳng cần chứng minh thế nào là tin vịt cả. Không ai được phép có quyền thay mặt tòa án để phán xét những người làm báo. Báo Đảng của Việt Nam họ quen với cách chụp mũ đó từ xưa rồi.”
Võ Khánh Linh, tác giả bài viết trên báo Nhân Dân còn dẫn chứng vụ sản xuất tin vịt của blogger Kami, người được “RFA trân trọng, sử dụng, trả nhuận bút, cũng như được BBC, VOA… tung hứng!”
Blogger Lê Dũng nói thêm về việc “chụp mũ” đã có từ xa xưa của báo chí nhà nước:
“Từ xưa đến giờ thì mọi người dân ở Việt Nam đều được nghe và thấy các tờ báo của nhà nước nói rằng các báo của nước ngoài BBC, VOA, RFA, RFI là những trang thông tin của thế lực thù địch và tiếp tay cho các báo mạng ở Việt Nam, gây kích động các thứ. Họ chụp mũ. Từ xưa họ đã truyên truyền cho người dân ở trong nước như vậy.




Vào tháng trước, VOA có đưa tin về hiện tượng vệt nước đỏ khi trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh một cống xả nước thải màu đỏ ra biển. Dư luận cho đây là cống xả thải từ nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh, thủ phạm gây ra vụ ô nhiễm môi trường biển miền Trung hồi năm ngoái.
Ngoài thông báo về việc tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước, Bộ TN&MT hôm 21/2 cũng khẳng định đoạn video xả nước thải màu đỏ là “sai sự thật”. Bộ này nói trong quá trình kiểm tra đã không phát hiện ra cống xả thải nào của Formosa giống như trong đoạn video.
Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nói với VOA rằng người dân hiện đang rất “thiếu tin tưởng” và “hoài nghi” bất cứ thông tin chính thức gì có liên quan đến các vụ ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nói thông tin báo chí đưa cũng chỉ là một dự báo, không phải là kết luận phân tích khoa học.
Sau đó VOA cũng đã phỏng vấn các ngư dân ở làng chài nơi có xuất hiện vệt nước màu đỏ. Ông Sáu, ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế cho VOA biết: “Cách đây ba ngày tôi gặp nó cách bờ chừng 3 tới 4 hải lý. Vệt nước này kéo dài màu đỏ hồng, nó loang trên cát và ông vạn trưởng có báo đến cho cơ quan chức năng nhưng không thấy họ nói gì. Không biết rồi đây sẽ như thế nào bởi năm ngoái đánh bắt thất thu, đời sống rất khó khăn, bây giờ thêm vệt này nữa thì chẳng biết tính sao đây!”
Đấu tranh dân chủ, đấu tranh chính trị, làm truyền thông, thay đổi xã hội... muốn gì cũng phải trên nền tảng sự thật. Chỉ có đúng sự thật, người ta mới mạnh được và lấy lòng dân được.
Blogger Lê Dũng, người đã phát đi đoạn video nói rằng ông đã trực tiếp lấy mẫu nước và phỏng vấn người dân địa phương. Ông giải thích thêm về vụ vệt nước màu đỏ ở Vũng Áng:
“Khi xuất hiện các vệt nước đỏ ở Vũng Áng, người dân có chụp ảnh và đăng lên trên mạng. Họ có gọi cho cán bộ địa phương xuống xem và lấy mẫu. Nhưng cán bộ địa phương làm người ta mất niềm tin, người ta sợ lắm.”
Blogger Lê Nguyễn Hương Trà, người cũng bị báo Nhân dân nêu tên với cáo buộc đưa ‘tin vịt’ nói với VOA qua Messenger rằng cô có thực hiện cuộc điều tra vụ cống xả và đưa tin lên mạng. Nữ blogger nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh với 20 năm làm nghề báo tự do nói rằng chính quyền “muốn phản bác lại lề dân thì phải chứng minh chứ, trong khi ngồi lười đó đợi. Anh nói tui sai, thì anh phải chứng minh sai chỗ nào và bằng chứng?”
Khi hỏi nhận định của Blogger Hương Trà về bài báo Nhân dân, chị nói: “Nói chung, đừng nên quá coi trọng mấy cái cơ quan truyền thông của Đảng nói gì, tôi phớt lờ hết và hầu như không đọc; cũng không quan tâm luôn. Mình cứ làm những gì mình thấy đúng đắn, tiến bộ.”
Trong một bình luận về hoạt động truyền thông gần đây, cựu nhà báo Phạm Đoan Trang viết: “Đấu tranh dân chủ, đấu tanh chính trị, làm truyền thông, thay đổi xã hội... muốn gì cũng phải trên nền tảng sự thật. Chỉ có đúng sự thật, người ta mới mạnh được và lấy lòng dân được.”

Nguồn : VOA
*****************


Bài đăng trên báo Nhân Dân 7/3/2017

"Tin vịt" và cái gọi là "truyền thông lề dân"!

Xưa nay, tung "tin vịt" là thủ đoạn mà kẻ bất lương thường sử dụng để gây nhiễu loạn thông tin trong xã hội, từ đó làm tổn hại uy tín tổ chức, cá nhân mà họ nhắm vào. Và trên in-tơ-nét đã có một số kẻ như vậy, họ lập ra một số trang điện tử, đặc biệt là trang cá nhân trên mạng xã hội, để cho ra đời cái gọi là "truyền thông lề dân" (!), rồi sử dụng làm phương tiện tung "tin vịt" nhằm chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam...
Vừa qua, các trang facebook của Lê Nguyễn Hương Trà, Nguyễn Anh Tuấn, Lê Dũng Vova,… lan truyền một vi-đê-ô clíp quay cảnh một cống thoát có nước mầu đỏ, được cho là do "phóng viên lề dân" quay tại khu vực xả thải của Công ty Formosa. Cũng thời điểm này, sáng 18-2-2017, tại khu vực cảng Sơn Dương thuộc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xuất hiện một dải nước mầu đỏ đục. Lập tức qua các website, fanpage gắn mác "đấu tranh dân chủ cho Việt Nam", thông tin nhanh chóng được lan truyền, mấy "nhà dân chủ" cũng lập tức tham gia bình luận, treo avatar (ảnh đại diện), vẽ khẩu hiệu, chế ảnh đả kích... Dù nhiều người chơi facebook (facebooker) lập luận hệ thống xả thải của Formosa đi ngầm, kích thước lớn chứ không lộ thiên và bé như ống xả trong clíp kể trên, nhưng ý kiến phản biện của họ đều bị chụp mũ "dư luận viên" đứng ra bao biện cho chính quyền; một số kẻ khác thì ra sức gán ghép clíp trên vào nhà máy Formosa, rồi ca ngợi "đẳng cấp, vai trò" của cái gọi là "truyền thông lề dân"!
Trước hiện tượng đó, tỉnh Hà Tĩnh đã cử đoàn công tác kiểm tra thực địa, sau đó khẳng định dải nước mầu đỏ, đường ống xả thải trong clíp không phải từ Formosa. Ðúng lúc "vụ ống xả thải Formosa" đang nóng trên in-tơ-nét thì một số cư dân mạng phát hiện ống xả thải đó là thuộc cầu cảng 4 - cảng Tiên Sa (Ðà Nẵng). Trước bằng chứng rõ ràng chứng minh thông tin kia chỉ là bịa đặt, một vài "nhà truyền thông lề dân" vội vàng xin lỗi vì chia sẻ... thiếu kiểm chứng, còn phần lớn thì lẳng lặng gỡ bài hoặc là im lặng! Về mấy "nhà dân chủ" trong "sự cố ống xả thải Formosa" mà họ đã dựng lên, blogger Nguyễn Biên Cương bình luận đại ý: việc làm này của cái gọi "truyền thông lề dân" là bỉ ổi, vô liêm sỉ, vì một số "nhà dân chủ" từng đến quanh nhà máy, bơi thuyền ra khu vực xả thải của Formosa làm loạt bài "tố cáo", ngay đến "nhà hoạt động" chuyên cung cấp tin bài, hình ảnh cho RFA, BBC... từng lặn xuống biển làm clíp về xả thải chứng minh "biển chết" cũng im lặng, không cảnh báo đồng bọn! Blogger này dẫn ra hàng loạt "tin vịt" của cái gọi "truyền thông lề dân" và khẳng định: "Ðây không phải "sự cố" lần đầu, mà lần thứ N!", tiêu biểu nhất là facebook Thuy Trang Nguyen. 18 năm trên in-tơ-nét với đủ loại danh hiệu "bác sĩ, tiến sĩ", Thuy Trang Nguyen đã cho "truyền thông lề dân" liên tục xơi "tin vịt". Mỗi lần trong nước có sự kiện gì là y như rằng Thuy Trang Nguyen lại "đẻ ra tin "hot", tin sốc, tin chưa được kiểm chứng". Thuy Trang Nguyen tiếp tục "đẻ" ra hàng loạt tin khác như: "giới nghiên cứu châu Âu" công bố kết quả xét nghiệm "nước biển Vũng Áng chứa 5 hóa chất cực độc", 200 người tắm ở cảng Gianh - Quảng Bình vào viện vì chất độc, Formosa cam kết bồi thường cho Việt Nam 2,4 tỷ USD, không phải 500 triệu USD như công bố,… và loại "tin vịt" như thế vẫn gây nóng trên mạng xã hội. Chán nản vì bị cơn say "tin vịt" của "truyền thông lề dân" đã hết thuốc chữa, "nhà dân chủ" có nick Bạch Tuộc bình phẩm: "bác sĩ Thùy Trang Nguyễn ngày nào cũng tung lên những tin vịt, có hai kiểu đưa tin, hoặc là bịa đặt hoàn toàn và bảo là "nguồn tin nội bộ" chẳng có ai kiểm chứng được, hoặc là "theo đóm ăn tàn" dựa theo những thông tin thật mà người khác đã đưa trước rồi thêm mắm thêm muối vào, từ 1 phóng lên thành 100, cái nick này đưa tin sai lệch rất nhiều lần nhưng vẫn có một đám đông cứ mù quáng share lại những tin vịt của nó, có lẽ là do thói quen cứ thấy những tin tức nào giật gân và hợp với "thị hiếu" của mình thì share bất kể đúng sai"!
Cũng theo blogger Nguyễn Biên Cương, chuyên gia sản xuất "tin vịt" nổi tiếng khác là Kami - cộng tác viên tích cực của RFA, từng công khai đưa ra luận điểm "Phải coi thuyết âm mưu và tin đồn là một vũ khí đấu tranh của blogger" để bảo vệ quyền "hành nghề sản xuất tin vịt" của mình. Người này là tác giả của vô khối "tin vịt". Ðiểm khác duy nhất là "tin vịt" của người này luôn được RFA trân trọng, sử dụng, trả nhuận bút, cũng như được BBC, VOA… tung hứng! Vụ "tin vịt hiệp ước Thành Ðô" do Kami dựng lên mà sau đó chính Kami thừa nhận và cười vào mũi những kẻ tin theo và a dua, song vẫn là chủ đề được mấy "nhân sĩ trí thức yêu nước", "tổ chức xã hội dân sự độc lập" sử dụng trong các "tuyên bố, bản lên tiếng", được một số đài báo quốc tế khai thác. Kỳ quái nhất là một số kẻ tụ tập trong cái gọi "mạng lưới blogger Việt Nam" còn biến "tin vịt" thành một "phong trào xã hội", tụ tập kéo nhau đi đưa kiến nghị đòi "bạch hóa"! Tất cả liệu có biết, khi "tin vịt" vượt khỏi tầm kiểm soát và bị dư luận chất vấn, Kami đã bỡn cợt đầy mỉa mai: "Nhà hàng đã ghi rất rõ là món thịt lợn - giả cầy trong thực đơn, song các vị sư hổ mang cứ xơi đẫy rồi cố tình bảo đấy là món thịt chó giả. Không những thế lại còn trách nhà hàng không cho mình ăn thịt chó"! Một kẻ đam mê dựng chuyện, tung "tin vịt" khác là Bùi Thanh Hiếu (nick "người buôn gió"). Trước, trong và sau Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng Cộng sản Việt Nam, "truyền thông lề dân" tha hồ thưởng thức các "vụ đấu đá cung đình" giữa phe này với phe khác do Bùi Thanh Hiếu bịa ra. Về sau, khi các hành vi bỉ ổi của mình bị vạch trần, Bùi Thanh Hiếu lại thản nhiên thừa nhận một cách bỉ ổi rằng: "Không có mà bịa ra là có hai phe, thế mới vui"!
Còn vô vàn sự việc có thể dễ dàng kiểm chứng nhưng một số cơ quan truyền thông quốc tế và cái gọi là "truyền thông lề dân" đã không làm như vậy. Như sau khi Dương Thị Tân (vợ cũ của Nguyễn Văn Hải - tức blogger Ðiếu cày) la lối "Ðiếu cày bị mất tay trong tù", họ thi nhau hô hoán: "Ðiếu cày bị công an chặt mất tay", đến khi hình ảnh cho thấy Nguyễn Văn Hải còn nguyên hai tay thì họ tảng lờ! Và họ lại dựng chuyện "Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực", rồi khi hình ảnh cho thấy ở trong tù Cù Huy Hà Vũ vẫn ăn uống đầy đủ, béo khỏe, thì họ bịa "Ðiếu cày tuyệt thực" vì một lý do kỳ quái là "bị buộc ký vào bản nhận tội"! Tới hôm nay, nhờ lượng khoan hồng của Nhà nước Việt Nam, Nguyễn Văn Hải đã sống nhởn nhơ trên đất Mỹ, không thấy họ hỏi thăm Nguyễn Văn Hải để xem cánh tay của anh ta đã "mọc ra" như thế nào! Lại nữa, thấy đàn anh ở hải ngoại đưa lên mạng bức ảnh "cờ vàng bốn sọc đỏ" tung bay giữa rừng người trên đường phố và chú thích đó là biểu tình phản đối Việt Nam ở Mỹ (!), họ hí hửng đưa lên facebook, sau đó cư dân mạng nhanh chóng vạch trần là bịp bợm, vì đó là cờ của một câu lạc bộ bóng đá ở Tây Ban Nha! Gần đây hơn, họ công bố bức ảnh cá chết xếp hàng xếp lớp và lu loa xảy ra tại ven biển miền trung Việt Nam, nhưng sau khi được chứng minh là ảnh chụp cá chết ở hồ Michigan (Mỹ) vào năm 2008, thì họ vẫn tảng lờ, và tiếp tục đăng lại mỗi khi muốn đề cập tới vấn đề "cá chết"...!
Ngày 15-8-2016, Khánh Ðặng - người Mỹ gốc Việt rất thiếu thiện chí với Việt Nam, đăng trên facebook cá nhân một status nhan đề "Tôi không muốn nói đến chính trị nữa. Vì...". Theo Khánh Ðặng, một lý do làm anh ta "không muốn nói đến chính trị nữa" là vì "trên facebook, nhiều người đấu tranh cho dân chủ lại dùng những thủ đoạn dơ bẩn như photoshop hình, tung tin sai sự thật, lừa tình, lừa tiền. Hay lắm lúc tự họ phe nhóm khen tặng lẫn nhau đến trơ trẽn. Nếu ai có phản bác lại ý kiến, họ xóa comment hay block nick lại ngay. Nếu một ai trong bọn họ bị ai đó vạch mặt những sai lầm, họ vội nhảy vào bênh vực và đả kích lại người lên tiếng. Mặc dù bọn họ đều biết những việc làm sai trái này". Nhận xét của Khánh Ðặng không những chỉ rõ sự dối trá, mà còn vạch trần bản chất xấu xa của mấy kẻ đang nấp dưới chiêu bài "đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền" với sự tiếp tay của tổ chức khủng bố "Việt tân" và những kẻ hơn 40 năm trước phải vứt mũ, quăng áo và sống ngày tàn ở nơi xứ người để phá hoại sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Ðất nước càng phát triển, mấy kẻ rắp tâm đi ngược sự nghiệp đổi mới đất nước còn bày nhiều mưu ma chước quỷ. Vì thế hơn lúc nào hết, một mặt, chúng ta cần nâng cao nhận thức và tăng cường bản lĩnh chính trị, cảnh giác không để "tin vịt" mê hoặc, lung lạc; mặt khác, chúng ta cần chủ động đấu tranh không chỉ trên hệ thống truyền thông, mà cả trên mạng xã hội, để làm sáng tỏ sự thật, để kẻ xấu không thể thao túng.
VÕ KHÁNH LINH