18 mai 2017

Cần nhận diện tổ chức phản động


|Điền Phương Thảo
 
Đảng cộng sản giết người trong Cải cách ruộng đất
 “Không để các tổ chức phản động tồn tại trên đất nước ta” là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với các địa phương vào sáng ngày 15-05 vừa qua.
Việc tiêu diệt tổ chức phản động là cần thiết vì bảo vệ an toàn cho cuộc sống của người dân là trách nhiệm của chính quyền. Tuy nhiên, để tránh sự ngộ nhận trong việc nhận diện bản chất thực sự của kẻ phản động, trước tiên, cần phải hiểu đúng thế nào là phản động?



Theo tự điển Lạc Việt, “phản động là có tính chất chống lại chính quyền, chống lại sự tiến bộ (khác với phản quốc là chống lại đất nước, nhân dân)”.
1-Chống lại chính quyền: Chính quyền là do người dân bầu ra nhằm phục vụ lợi ích cho cuộc sống của người dân, giúp đất nước giàu mạnh. Nếu một chính quyền không thể thực hiện tốt các chức năng trên khiến cuộc sống người dân cơ cực, ca thán, đất nước kiệt quệ thì người dân có quyền tỏ thái độ chống đối nhà cầm quyền. Trong trường hợp này, phản động không có nghĩa là phản quốc, ngược lại đây là lực lượng giúp chấn hưng tổ quốc, giúp nhà cầm quyền nhìn nhận lại đường lối, chính sách lãnh đạo của mình sao cho hợp ý dân, thuận ý Trời.

2-Chống lại sự tiến bộ: Nếu tổ chức phản động chống lại sự tiến bộ của con người như buôn ma túy, xâm phạm tình dục trẻ em, buôn bán phụ nữ, mua bán nội tạng con người, phá rừng, hủy hoại môi sinh …thì bằng mọi giá không chỉ chính quyền mà cả nhân dân của quốc gia đó sẽ cùng nhau tiêu diệt, không để các tổ chức phản động như thế tồn tại trong xã hội, đất nước của mình.
Tuy nhiên, nếu một cá nhân hay một tổ chức đấu tranh cho nhân quyền, cho dân chủ, cho việc bảo vệ môi trường sống, tức là cho sự tiến bộ của con người và vì một xã hội văn minh, thì cho dù hành động đó đi ngược với đường lối lãnh đạo của chính quyền cũng không thể xem là “phản động”. Bởi lẽ điều này không hề mang ý nghĩa chống lại đất nước, chống lại nhân dân.
Thế nhưng, trong các nước có chế độ chính trị độc tài đảng trị, cụm từ “phản động” và “thế lực thù địch” được nhà cầm quyền sử dụng để chụp mũ, qui kết, ám chỉ những người, những tổ chức đấu tranh cho dân chủ và tiến bộ xã hội.
Và đó là lý do vì sao tại Việt Nam những người có tư tưởng, quan điểm đối lập với đảng cầm quyền như Nguyễn Hữu Vinh, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn thị Nga. Mẹ Nấm, cha Thục, cha Nam …đều bị quy chụp là “phản động” và bị bắt bớ, cầm tù. Và mới đây nhất là bắt ông Hoàng Đức Bình vào ngày 15-05 với một cách thức hoàn toàn trái quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự về trình tự và thủ tục.
Nhận định về vụ việc này, trả lời phỏng vấn của BBC vào hôm 16/5, Luật gia Nguyễn Đình Hà nói: “Có thể thấy việc bắt ông Hoàng Đức Bình và truy nã Bạch Hồng Quyền là nhắm vào những người đang hoạt động tích cực chống lại Formosa và đòi quyền lợi cho người dân sau thảm họa cá chết”.
“Đi xa hơn, dường như công an Nghệ An đang muốn ngăn những luồng thông tin có thể gây hại cho chính quyền và ảnh hưởng đến việc đầu tư của Formosa.”
Và việc gần 10.000 người dân tại Diễn Châu biểu tình tuần hành về UBND huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An phản đối việc bắt giữ ông Hoàng Đức Bình là một minh chứng hùng hồn rằng mọi hoạt động của ông Hoàng Bình là ích nước, lợi dân.
Đằng khác, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy bản chất phản động của một nhà cầm quyền khi đất nước của họ có những biểu hiện sau:

1-Mọi giá trị đạo đức xã hội bị đảo lộn. Con người sống vô cảm, giả dối và thường xuyên dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẩn. Công Lý chỉ là một diễn viên hài theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
2-Hệ thống hành chính, thủ tục hành chính cồng kềnh, quan liêu khiến việc hành chính đối với người dân trở nên “ hành” là “chính”. Bộ máy quản lý kinh tế yếu kém dẫn đến tham nhũng, lãng phí tài sản của nhân dân, của quốc gia. Tham nhũng trở thành quốc nạn, nó diễn ra ở khắp mọi nơi, mọi ngõ ngách, mọi lĩnh vực, lực lượng tham nhũng “ ăn không chừa thứ gì của dân”.
Xin đơn cử một ví dụ : Tháp truyền hình của Việt Nam xây dựng tại Hà Nội không chỉ là tháp truyền hình cao nhất mà còn đắt nhất thế giới.
Theo trang great-tower.com, chi phí để xây mỗi 1m của Tokyo Skytree, tháp truyền hình cao và đắt nhất thế giới hiện tại là 1,29 triệu USD, chỉ bằng khoảng một nửa so với con số dự tính xây tháp truyền hình cao nhất thế giới tại Việt Nam (2,35 triệu USD).
Thế nhưng tháp truyền hình Việt Nam cũng chỉ là một trong muôn vàn công trình được xây dựng tại Việt Nam được xây dựng với những kinh phí cao ngất ngưỡng một cách rất khó hiểu. Điều đáng nói là kinh phí này có được là do sự đóng góp tiền thuế đầy mồ hôi, nước mắt của người dân.
3- Nạn tham nhũng và vô trách nhiệm của chính quyền đã dẫn đến tình trạng tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá và khai thác cạn kiệt. Biển chết, rừng cũng khô héo. Đất nước trở thành khu xả thải khổng lồ các tập đoàn kinh tế nước ngoài. Ngoài ra, vì tắc trách, “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”, các cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm trong việc kiểm soát những loại hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm độc hại, kém phẩm chất được sản xuất trong nước cũng như nhập lậu khiến đất nước thuộc top 2 quốc gia có tỉ lệ người mặc bệnh ung thư trên thế giới.

Đất nước Việt là của người dân Việt chứ không phải của riêng một bất cứ một đảng phái chính trị nào. Do vậy, tiêu diệt “tổ chức phản động” cũng phải nhắm mục đích giúp đất nước đó phát triển, người dân được hưởng đầy đủ các quyền tự do của con người chứ không phải để bảo vệ một thể chế, một đảng phái chính trị nào cả.
Khi xác định được mục tiêu cũng như hiểu được bản chất thực sự của “phản động”, mỗi một người dân Việt hãy lựa chọn cho mình một thái độ hành động thích hợp, đó là “không để các tổ chức phản động tồn tại trên đất nước ta”.


Điền Phương Thảo
Link tham khảo:
http://baonghean.vn/xa-hoi/201705/khong-de-cac-to-chuc-phan-dong-ton-tai-tren-dat-nuoc-ta-2808375/

 Nguồn: Theo TMCNN