17 mai 2017

Dân Trung Quốc sẵn sàng tốn tiền để bỏ nước ra đi



http://static.new.tuoitre.vn/assets/tto/c6f6b489v787/images/transparent.png
http://static.new.tuoitre.vn/assets/tto/c6f6b489v787/images/transparent.png
Hơn 100.000 người Trung Quốc đã chi tổng cộng 24 tỉ USD trong 10 năm qua cho các dịch vụ lấy thị thực định cư ở nhiều nước.



Khách du lịch Trung Quốc đứng trước nhà hát Opera ở Sydney (Úc) - Ảnh: Reuters

Hiện nay, nhiều nước sẵn sàng cấp thị thực nhập cảnh lâu dài cho người nước ngoài, đánh đổi bằng đầu tư kinh doanh, nhà đất hoặc trái phiếu chính phủ. 



Ví dụ tại Bồ Đào Nha, chính phủ có chương trình Thị thực vàng (golden visa). Người đầu tư vào loại thị thực này có thể nhập quốc tịch, tự do đi lại trong Liên minh châu Âu (EU) kèm theo điều kiện phải gửi tiền ngân hàng hoặc đầu tư tối thiểu 500.000 euro.

Hãng tin AP thu được số liệu chính thức từ 13 nước cho thấy người Trung Quốc đã bạo tay đầu tư vào việc tìm kiếm chốn định cư bên ngoài kể từ năm 2007.

Kết quả cho thấy hơn 100.000 người đã chi 24 tỉ USD cho các chương trình thị thực "đánh đổi" như trên. Điều này khiến Trung Quốc trở thành quốc gia có công dân “bạo chi” nhất cho các chương trình thị thực để được ở lại và làm việc ở nước ngoài.

Trong khi đó, người Trung Quốc đặc biệt có nhu cầu ở thị trường Mỹ, khi đã chi ít nhất 7,7 tỉ USD để mua 40.000 thi thực trong 10 năm qua.

Cô Jenny Liu, sinh viên ngành y tại tỉnh Nam Kinh (Trung Quốc), là một ví dụ về làn sóng người Trung Quốc theo đuổi chương trình thị thực này.

Cô Liu đã bán căn hộ của mình cách đây hai năm và chuyển đến Mỹ cùng cha mẹ. Cô dùng số tiền có được để đầu tư 500.000 USD vào một dự án khách sạn tại Mỹ.

Nếu dự án này tạo ra đủ công ăn việc làm trong hai năm, cô sẽ có “thẻ xanh” để cư trú vĩnh viễn ở Mỹ và chăm lo cho đứa con 9 tuổi của mình.

Nhiều lý do để đi

Tại Trung Quốc, người dân có xu hướng sang nước ngoài sinh sống do nhiều lý do, trong đó có thể kể đến những áp lực của một quốc gia đông dân và cả vấn đề ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, giá cả nhà đất ở Trung Quốc đang lên cao và áp lực môi trường giáo dục cho con cái cũng khiến nhiều người suy nghĩ tới chuyện chuyển chỗ ở.

Ngược lại, cơn sốt nhà đất cũng được xem là yếu tố then chốt trong hiện tượng nhiều người Trung Quốc bạo chi cho các chương trình thị thực nước ngoài.

Hãng tin AP cho biết bất động sản tại các thành phố lớn nhất Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong một thập kỷ qua.

Ở Bắc Kinh, giá bất động sản tăng trung bình mỗi năm 25% trong giai đoạn trên. Chỉ tính cuối năm 2015, giá nhà ở Bắc Kinh tăng 64%, khiến căn hộ 120 mét vuông trị giá tới 1 triệu USD (hơn 22 tỉ đồng).

Điều đó cũng giúp những gia đình có nhà mua thời còn rẻ, giờ có thể bán với giá thừa sức giúp họ đầu tư vào chương trình thị thực vàng.

Tại Mỹ, chương trình EB-5 quy định sẽ cung cấp thẻ cư trú vĩnh viễn cho bất kỳ ai đầu tư 500.000 USD vào một doanh nghiệp có thể tạo ra hoặc cung cấp ít nhất 10 việc làm.

Tương tự Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Hy Lạp cũng có các chương trình như thế để thu hút đầu tư và giải quyết tình trạng bất động sản đóng băng.

Các tính toán tổng số tiền đầu tư (24 tỉ USD trong 10 năm) của hãng tin AP là chỉ tính số người Trung Quốc đầu tư vào chương trình thị thực hằng năm, không bao gồm các thành viên gia đình họ.

Ngoài ra, con số trên cũng tương ứng với tỉ giá trong từng năm, không bao gồm lạm phát, và không gồm những chi phí phát sinh dành cho luật sư cũng như môi giới.



NHẬT ĐĂNG