29 mai 2017

Khối G7 chống quân sự hóa Biển Đông

Lãnh đạo bảy quốc gia kỹ nghệ chụp hình chung với lãnh đạo một số nước đang phát triển tại kỳ họp thượng đỉnh tổ chức ở đảo Sicily, nước Ý, hôm 28 Tháng Năm. (Hình: Jonathan Ernst/AFP/Getty Images)



SICILY, Ý (NV) – Lãnh đạo bảy quốc gia kỹ nghệ hàng đầu thế giới vừa tuyên bố quan ngại về tình hình gia tăng căng thẳng trên Biển Đông và kêu gọi không quân sự hóa vùng thủy lộ bận rộn nhất thế giới.



Sau phiên họp thượng đỉnh lần thứ 47 kết thúc chiều 27 Tháng Năm tại Taormina, đảo Sicily của nước Ý, lãnh đạo bảy quốc gia công nghiệp hùng mạnh nhất thế giới đồng thuận ra bản tuyên bố chung “cương quyết chống lại mọi hành động đơn phương có thể làm căng thẳng gia tăng” và kêu gọi “phi quân sự hóa ở các khu vực tranh chấp” tại Biển Đông và biển Hoa Đông dù không đích danh chỉ Trung Quốc là thủ phạm.
Họ kêu gọi giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đàm phán ngoại giao cũng như phương thức pháp lý, bao gồm tòa trọng tài.
Trong cuộc họp hồi năm ngoái ở Nhật, các ngoại trưởng G7 cũng bày tỏ quan điểm “quan ngại” về tình hình các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền. Năm nay, bản tuyên bố chung có lời lẽ mạnh bạo hơn khi đòi hỏi không được quân sự hóa các khu vực tranh chấp chủ quyền.
Nhóm G7 gồm các nước Anh, Canada, Đức, Hoa Kỳ, Ý, Nhật, và Pháp bàn một loạt nhiều vấn đề trong đó có cả chuyện người tị nạn Trung Đông và Phi Châu, biến đổi khí hậu và vấn đề Triều Tiên.
Ngày 28 Tháng Năm, ông Lục Kháng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ra bản tuyên bố “phản đối mạnh mẽ” tuyên bố trên của khối G7, kêu rằng Bắc Kinh cam kết giải quyết tranh chấp, thắt chặt hợp tác, bảo vệ hòa bình, ổn định ở biển Hoa Đông, Biển Đông qua đối thoại và tham vấn trực tiếp với các bên liên quan.
Không những cơi nới, bồi đắp mở rộng thêm một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã bồi đắp bảy bãi đá ngầm mà họ cướp của Việt Nam từ năm 1988 thành bảy hòn đảo nhân tạo khổng lồ tại quần đảo Trường Sa.
Không ảnh cho thấy các đảo này có ba đảo với phi đạo dài 3,000 mét còn bốn đảo kia đều có phi trường cho trực thăng. Các võ khí gồm cả các loại hỏa tiễn phòng vệ biển tầm xa đã được Trung Quốc chuẩn bị để mang tới trang bị cho các đảo nhân tạo. Các đảo nhân tạo, ngoài các doanh trại cư xá, còn có những cơ sở cỡ lớn gồm đài radar, truyền tin vệ tinh, viễn thông, hải đăng.
Các nhà phân tích thời sự đã nhiều lần khuyến cáo rằng Bắc Kinh đang tiến hành từng bước kế hoạch quân sự hóa các khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khống chế toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của các nước khác trong khu vực.
Ông Tập Cận Bình, chủ tịch nhà nước Trung Quốc, từng tuyên bố là không quân sự hóa Biển Đông khi đến Washington hồi cuối Tháng Chín, 2015. Những gì diễn ra trong thực tế cho thấy họ làm ngược lại. (TN)