28 mai 2017

VẤN ĐỀ LÀ TRÊN CẢ HIẾN PHÁP



Lại Nguyên Ân



TIẾNG NÓI NHÀ VĂN




Theo điều 13 Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca.


Đối với những sự cố cấm, rồi lập danh sách được phép lưu hành đối với các bài hát Việt của giới quan chức quản lý biểu diễn nghệ thuật Bộ VH-TT-DL, tôi nhận thấy ở sự phản ứng của giới những người mình quen biết có một cái lệch thấy rõ: Chúng ta bộc lộ tình nhiều hơn hẳn lý.


 Tôi để ý cả những phát biểu của Nguyen Pham Xuan, Trần Đăng Khoa, v.v., đều thấy sự phẫn nộ khi các quan chức kia (chót) cấm bài hát gì đó có màu hoa đỏ, hoặc dám đưa Tiến quân ca vào danh mục mấy trăm bài "được phép hát"! v.v. chứ không thấy hoặc nói rất nhẹ đến cái tội rất nặng của họ là vi phạm Hiến pháp và pháp luật về quyền sáng tác, phát minh, quyền công bố các tác phẩm, các sáng tác, phát minh của mọi công dân, quyền tiếp cận các sáng tác, phát minh của mọi công dân.

Ở việc các quan chức tỉnh nọ dám cấm bài hát của Thuận Yến, hay quan chức cục dám đưa quốc ca vào danh mục "được phép sử dụng", ta nên thấy họ đã quá hớ do quá hợm hĩnh về vị trí quản lý của mình nên đã kiêu mạn vô lối đến nực cười. Hành động đưa tên bài quốc ca hiện hành vào danh sách "được phép sử dụng" thật ra là hành vi gây cười, tạo hài kịch; ngay trong dư luận chính thống nó đã gây hiệu ứng phẫn nộ đấy rồi cười phá ra ngay đấy.

Cứ thử hình dung một vị quan nào đó tuyên trước QH "nay quy định bài Tiến quân ca được phép sử dụng" -- sẽ thấy ở các vị dân biểu phản ứng thế nào! Nào có khác gì vài câu đùa xen kẽ của tên hề già tại hoàng triều khi vua đang hội cùng quan chức, vài câu hề chỉ chọc cho cả vua lẫn quan đều được thư giãn ít phút?

Nhưng trong các hành vi cấm bài hát này nọ của giới quan chức quản lý, ta cần thấy sự vi phạm hiến pháp và hệ thống pháp luận, -- điều này căn bản hơn, đáng phê phán hơn.

Những năm trước 1980s, hầu như không hề thấy rõ chuyện xin phép kiểu này, tuy thật ra vẫn có. Là vì khi đó văn công gì đó, cấp nào đó, chung quy đều là quốc doanh, hoặc liên hoan ca hát quần chúng. Hát ca bài gì, quan chức quản lý văn hóa các cấp đều là kẻ chủ trì, ca sĩ đều là "người nhà nước", họ không thể hát những bài "ngoài luồng" (được hiểu là không thuộc ca khúc CM, ca khúc truyền thống, ca khúc dân gian đã biết). Cứ nhớ lại phong trào liên hoan "ca khúc chính trị" hồi cuối 1980s xem có ai xin phép, cho phép gì không?

Chỉ từ những năm cuối 1980s, đầu 1990s, xuất hiện ca sĩ ... dân sự, (không là nhân viên các đoàn nhà nước dù cấp huyện, tỉnh hay TƯ thì phải gọi là dân sự thôi), biểu diễn ... dân sự, bắt đầu từ phía Nam, kéo theo sự xuất hiện các ông bầu. Trong danh mục bài hát dưới tay các ông bầu tất nhiên xuất hiện những bài hát "ngoài luồng", được hiểu là những bài "tiền chiến" (trước tháng 8/1945) hoặc "miền Nam cũ" (lưu hành trước 1975 tại miền Nam). Chính đây là loại cần sự can thiệp của giới chức quản lý; họ xen vào (cùng dư luận chính thống) hô cái này được phép, cái kia không được phép, rồi các ông bầu liên lạc các quan chức, từ đây xuất hiện một loại "giấy phép con" thứ nhất. Một cơ hội thứ hai là khi giữa các ông bầu kia với các tác giả bài hát nảy sinh những chuyện không êm chèo mát mát, cần phân xử của nhà quản lý, đây là chuyện phân chia tác quyền, mà thật ra giới chức quản lý cũng chưa làm hết chức tránh, nên trong giới sáng tác nhạc cũng tự lập ra tổ chức giám sát việc phân chia tác quyền.

Chính việc can dự vào chuyện biểu diễn tư nhân, chuyện phân chia tác quyền -- đã tạo cho giới chức quản lý những cơ hội lấn sân lấn đất, và càng dấn sâu vào họ càng ảo tưởng về quyền lực vô biên. Nhưng cũng cần thấy, các quan chức cấp cao hơn đã im lặng, phớt lờ để cho giới quản lý cấp dưới vi phạm pháp luật như vậy, - còn đáng trách hơn. Nếu phải tự kiểm điểm về chuyện này, ông Bộ trưởng và Ủy ban Văn hóa của Quốc hội phải nhận lỗi trước tiên

Nguồn: FB Lại Nguyên Ân
Tít bài do TNc đặt

http://trannhuong.net/tin-tuc-52404/van-de-la-tren-ca-hien-phap.vhtm