17 août 2017

Xét xem chúng tôi đủ chuẩn DÂN OAN chưa?




Thiện Tùng: "Đúng là “già đầu còn dại, có cháu ngoại còn ngu”. Chú phải biết chú là ai, đang sống dưới thể chế chính trị nào. Theo tôi, có 2 lý do mà chú thua kiện:


     1/ Chú quên mất, thời nay lẽ phải nằm trong tay người có quyền, có tiền. Và bộ chú không nghe, dưới chế độ độc tài phong kiến, người dân oán thán: “Bộ binh, bộ hộ, bộ hình. Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi” – Hễ 3 bộ đồng tình thì vú ai chẳng bóp được ?.



     2/ Chú không phải dân “ngoan” mà là dân “ngang”: Cuối thập niên 80 của thế kỷ 20 Chú từ nhiệm, trả thẻ Đảng; Cuối thập niên 10 của thế kỷ 21 nầy chú viết bài “CHẠY” (1). Đã chạy mà còn “nghinh” - Chủ nghĩa Xã hội là chỗ “nhạy cảm”, như là bàn thờ tổ của người ta mà chú nhè vào đó chôm chỉa châm chích. Từ lâu người ta đã liệt chú vào loại “bất đồng chính kiến” rồi còn gi? .

Nhưng mà, đã chấp nhận làm đĩ thì tránh sao khỏi đau mình ? Chú không nên buồn, phải chấp nhận thua đau. Dầu sao, trong vụ kiện nầy, cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn thực chất ngành Tư pháp nước nha?."






Vợ chồng chúng tôi Đào văn Tùng và Liên thị Hoài Thu, đều là cán bộ nghỉ hưu, ngụ tại số nhà 13 đường Lê văn Duyệt, Phường 1, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Chúng tôi bên mua nhà (B), thủ vai nguyên cáo; Ủy Ban Nhân ân tỉnh Tiền giang bên bán nhà (A), thủ vai bị cáo do  vi phạm hợp đồng mua bán căn nhà 13 tọa lạc địa chỉ nói trên.

Sau 30/04/1975, trong “chiến dịch cải tạo Tư sản Mại bản (X2)” bao gồm những nhà Tư sản kinh doanh dính líu với nước ngoài hoặc dựa vào chế độ cũ (Việt Nam Cộng hòa). Hai nhà 13 và 15 đường Lê văn Duyệt, Phường 1, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang  nằm trong diện bị tịch thu. Tuy nguồn gốc 2 nhà nầy là một chủ, nhưng nhà 15 là tiệm vàng Hữu Danh do bà Võ thị Chính làm chủ, nhà 13 nghe nói là tiệm Cầm đồ do con bà Chính làm chủ, người nầy đã chạy sang Mỹ trước 30/04/1975.

Hai nhà 13 và 15 nầy cấu trúc giống nhau, chỉ có 1 trệt, 1 lầu  và sân thượng (nóc bằng,bê- tông). Hai nhà chỉ có một cầu thang lên sân thượng nằm bên căn 15. Miệng cầu thang lên sân thượng có mái che đơn sơ, lợp tole.

 Sau khi tịch thu, hai nhà nầy giao cho Ban Tuyên Huấn Tỉnh làm nhà tập thể. Đầu năm 1980, nhà 13 giao cho hộ Đào văn Tùng và nhà 15  giao cho hộ Trần văn Mai thuê để ở.

Ngày 8/12/1980, Ty Nhà đất + Đại diện Ban Tuyên Huấn Tỉnh + với bà Võ thị Chính ký vào biên bản giao nhà 15 và giao lầu 1 với sân thượng nhà 13 cho bên 15.  Do giấy thuê nhà không ghi thời hạn, hơn nữa nhà 13 có  đến 5 người, không thể ở phần trệt diện tích xây dựng chỉ có 52 m2 bao gồm cả bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh và cầu thang. Vì lẽ đó, ông Tùng khiếu nại, không giao lầu 1 và sân thượng nhà 13 cho nhà 15. Có điều nhà 13 không sử dụng được sân thượng của mình vì cầu thang lên sân thượng nằm bên phía 15.

Ngày 19/9/1981, UBND Tỉnh họp phủ định biên bản ngày 8/12/1980 giữa Ty Nhà đất + BTH + bà Võ tị Chính vì 3 đương sự nầy “ lạm quyền và giao nhà chồng chéo như thế là trái với nguyên tắc xây dựng”. Liền sau đó, UBND Tỉnh ra quyết định 905/QĐUB, thực chất quyết định nầy là “Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà và Quyền sử dụng đất” cho nhà 15 gồm 1 trệt, 1 lầu và sân thượng của phần nhà ấy. Vì không có cầu thang lên sân thượng, nhà 15 tiếp tục tạm dụng sân thượng nhà 13.

Nhiều lần UBND Tỉnh gợi ý hóa giá nhà 13 cho vợ chồng Tùng + Thu, nhưng Tùng và Thu không chấp nhận hóa giá, vì chưa giải quyết dứt khoát  trả lại cái sân thượng cho nhà 13. Thế là 18 năm (từ 1980 đến 1998), Tùng và Thu vẫn ở nhà thuê do UBND tỉnh Tiền Giang chủ sở hữu.

Giữa năm 1998, UBND Tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng + Nhà đất phát mãi những căn nhà do Tỉnh quản lý đang cho thuê. Tùng và Thu vẫn không mua vì kẹt cái sân thượng như đã nói.

Ngày 12/10/1998, UBND Tỉnh tổ chức cuộc họp với những ngành có liên quan và Nguyễn Hữu Bình (con bà Chính, chủ hộ nhà 15) bàn và phân định rạch ròi giữa 2 nhà 13 và 15 . Sau cuộc họp, UBND Tỉnh ra Công văn 787/CVUB . (xem nguyên văn Công văn 787 gồm 2 trang đính kèm).

Thế là Tùng và Thu chấp nhận mua căn nhà 13 mà họ đã mướn ở 18 năm qua, mua theo tinh thần Công văn 787 -  Đọc 4 kết luận của UBND Tỉnh, gạch đầu dòng ở chót trang 2 sẽ rõ.





Ngày 26/12/1999, UBND Tỉnh Tiền Giang cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất” cho chúng tôi.

 Thủ tục giấy tờ mua bán nhà làm đầy đủ, tiền bạc thanh toán sòng phẳng. Chúng tôi mua nhà mà mình mướn ở suốt 18 năm qua, việc bàn giao chỉ về mặt giấy tờ. Có điều khi bàn giao chưa có cái sân thượng – với lý do UBND Tỉnh chưa kịp buộc  chủ hộ 15 giao sân thượng nhà 13 lại cho chủ của nó  theo Công văn 787.

Sợ để kéo dài nguội lạnh khó giải quyết, Tùng tôi đến nêu vấn đề nầy với ông Phó Chủ tịch Đoàn văn Tâm, người ký giấy chứng nhận quyền Nhà Đất cho chúng tôi. Ông Tâm nói: “Chưa kịp bàn với chủ nhà 15 trả lại cái sân thượng cho nhà 13 theo Công văn 787. Ông yên tâm, chúng tôi sẽ buộc chủ nhà 15 giao cái sân thượng nhà 13 cho ông sau. Chẳng lẽ bán nhà mà không có nóc, trong giấy chứng nhận Nhà Đất cho ông có ghi rõ mái BT (BT là bê-tông, nóc bằng) – dưới nhìn lên gọi là trần nhà, lên trên gọi là sân thượng”. Thử hỏi người đương quyền thuộc cơ quan công quyền nói rõ như thế chẳng lẽ không tin?.

Tháng 8/2008, Nguyễn Hữu Bình (chủ  nhà 15) thuê thợ đến đập lan can để xây lầu 2 trên sân thượng cả 2 nhà. Tùng tôi phản ứng. Bình chìa ra giấy chủ quyền không phải 905/QĐUB của Ủy ban Tỉnh mà quyết định  do UBND TP Mỹ Tho mới cấp, do Phó  Chủ tịch Mai Thanh Minh ký bao gồm cả sân thượng nhà 13.

Tùng tôi đến hỏi Mai Thanh Minh: “Sao ký quyết định giao sân thượng nhà 13 cho bên 15 mà không hỏi ý kiến tôi?”. Minh trả lời: “Tôi chấp hành lịnh của Tình, theo công văn 522/QĐUB do Phó Chủ tịch Trần Thanh Trung ký ngày 20/01/2006”.

Tôi đến Trung tâm Lưu trữ Tỉnh gặp Giám đốc Võ Thanh Hữu hỏi và được sao cho Quyết định 522. Từ đó mới rõ ra, ngày 20/01/2006 – tức là sau 7 năm tính từ khi chúng tôi được cấp chủ quyền Nhà Đất. Trong quyết định 522 nầy, Trần Thanh Trung bật tín hiệu: “Cho phép nhà 15 được hợp thức hóa sở hữu sân thượng nhà 13”. Đáng nói hơn, quyết định 522 nầy còn phủ định tất cả các văn bản trước đó trái với nó.

Biết rõ sự thế, Tùng tôi khiếu nại nhà bị xâm hại đến cả 3 cấp chính quyền Phường 1, TP Mỹ Tho và Tỉnh Tiền Giang.

Phường tổ chức cuộc họp giữa 2 nhà gọi là “hòa giải”. Tôi không chấp nhận “hòa giải” vì, theo giấy tờ, sân thượng nhà 13 đã thuộc quyền sở hữu của chúng tôi từ khi mua nhà (26/12/1999). Cuối cuộc họp, Chủ tịch Phường 1 kết luận: “Chưa có giấy phép không được xây. Nhà cũ, nếu cơ quan nào cấp phép và người xây phải chịu trách nhiệm về hậu quả. Trước mắt, do đập lan can, nhà 15 phải khắc phục dột thấm thấu cho nhà 13”. Nói thì nói vậy, mọi việc rồi cũng bỏ xuội luôn!. Sẵn thợ, lấy cớ sửa lại mái che trên miệng cầu thang, chủ nhà 15 mở rộng và kiên cố hóa nửa sân thượng về phía sau của cả hai nhà, rồi từ đó họ gọi tầng 3 (lầu 3). Thế mà UBND TP Mỹ Tho cũng bắt chước gọi như thế trong văn bản!!!.

 Suốt 14 năm từ  khi mua nhà số 13 (1999-2013), qua 5 đời Chủ tịch Tỉnh, không biết bao nhiêu lần tôi yêu cầu giải quyết cái sân thượng. Ông nào cũng hứa “sẽ giải quyết” nhưng họ đều bỏ xuội luôn. Nhà phố, không có sân thượng lấy đâu chỗ phơi phong. Đáng nói hơn, như ở trong cái hộp ngột ngạt vô cùng, lại thêm bị dột thấm thấu vào suốt mỗi mùa mưa. Đó là chưa nói, luôn nôm nốp lo sợ sập trần nhà. Nếu chuyện ấy không may xảy ra thì lấy khí phách của tướng Hoàng Diệu mà đối đời: “Nếu mà thành quách vỡ tan, hãy bươi gạch vụn mà tìm xác ta?!”. 

Phải kiện thôi ! – Đó là quyết định sau cùng của chúng tôi: Bên nguyên cáo là chúng tôi, bên bị cáo là UBND tỉnh Tiền Giang. Nội dung (mục đích) kiện: Đòi UBND Tỉnh Tiền Giang giao sân thượng nhà 13 cho chúng tôi theo hợp đồng mua bán; yêu cầu hủy bỏ Quyết định 522 và giấy chứng nhận mới do Mai Thanh Minh, phó Chủ tịch UBND TP Mỹ Tho ký cho nhà 15 tháng 8/2008 – cả hai đều xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp công dân .

Chúng tôi khởi kiện theo trình tự:

+ Tòa án Nhân dân TP Mỹ Tho nhận thụ lý an. Họ bảo chúng tôi đóng an phí trước 200.000 đồng – đóng thì đóng. Thế rồi Tòa mời tới lui 3 lần  mà không xử được, bởi vắng bên bị cáo. Cuối cùng Tòa án TP Mỹ Tho chuyển vụ án lên Tòa án tỉnh Tiền Giang.

+ Tòa án Tỉnh Tiền Giang thụ lý, mời đến lần thứ 3 mới đủ mặt bên nguyên, bên bị và những người có liên quan mới tiến hành xét xử. Họ không bám Công văn 787 và hợp đồng mua bán nhà 13 mà cứ dựa vào cái Biên bản bàn giao nhà ngày 08/12/1980 giữa 3 bên Nhà đất + đại diên BanTuyên Huấn + bà Võ thị Chính đã nhiều lần bị UBND Tỉnh Tiền Giang phủ định vì lạm quyền và trái với nguyên tắc xây dựng. Ngoài chủ phiên tòa, đại diện bên bị cáo nói tràng giang đại hải không đi vào cốt lõi của vụ án, toàn là ngụy biện cho mình. Bên nguyên cáo chỉ được nói gọn những gì chủ tọa phiên tòa hỏi, biến bên nguyên cáo trở thành bị cáo. Sau bước “nghị án”, Tòa tuyên án: “Bên Nguyên cáo kiện không có cơ sở…” (coi như thua kiện), phải nộp án phí 200.000 đông – đóng thì đóng.

Ảnh minh họa
                                

+ Bên Nguyên cáo chống án lên Tòa án Cấp cao ở TP Hồ Chí Minh. Sau 2 lần hoản xử không rõ lý do, lần thứ 3 mới xử. Phiên tòa Phúc thẩm nầy còn khắc nghiệt hơn cấp Sơ thẩm: Trong 1 buổi mà xử đến 3 vụ án (người dự mỗi vụ ngồi một cụm trong cùng chung  một hội trường), âm thanh thì không rõ, dường như chạy đua về số lượng. Tòa và đại diện bên bị cáo được ưu tiên phát biểu, còn bên nguyên cáo chỉ được trả lời những câu hỏi của Tòa. Đó là chưa nói nguyên cáo như tội phạm trước vành móng ngựa, bị chủ Tòa còn gõ chày cắt tới cắt lui. Đại diện Viện Kiểm sát đứng lên, đề nghị Tòa y án Sơ thẩm. Sau bước nghị án khoảng 5 phút, Tòa Cấp cao tuyên bố “Y án Sơ thẩm (chúng tôi lại thua kiện). Tòa không quến nhắc chúng tôi về địa phương đóng án phí 200.000 đồng. Buồn quá, lần nầy chúng tôi không thèm đóng. Nhưng cũng ngộ, chẳng thấy ai đòi.

+ Còn nước còn tát, chúng tôi kháng án lên Tòa án Nhân dân Tối cao, hy vọng “đèn trời soi sáng”.  Sau hơn 5 tháng chờ đợi, chúng tôi nhận được kết quả bằng thông báo số 166, có nội dung: Xét thấy, tòa Phúc thẩm phán xét là xác đàng, Tòa tối  cao “Y án Phúc thẩm”, xin thông báo cho ông bà được biết.

Đọc kỹ lại bản án Sơ thẩm, Phúc thẩm và Thông báo số 166 của Tòa án tối cao sao nó na ná với nhau – Y án, y nội dung, chỉ khác nhau về cách trình bày . Tất cả đều không đi sâu vào phần chính yếu thuộc bản chất của vụ án.

  Sau khi nghe tôi đọc bài trần thuật về vụ kiện nầy, anh bạn chí cốt của tôi cười khanh khách. Tôi hỏi anh cười về chuyện gì ?

-       Bên A và bên B nghĩa là gì?



-       A là ăn, B là bớt – tôi nói vui.



-       Trong vụ kiện nầy, những chứng lý mà chú trương ra đủ thuyết phục. Nhưng chú thủ vai bên nguyên kiện bên bị là UBND Tỉnh thua thì phải rồi ! – anh bạn tôi khẳng định.



-       Sao kỳ vậy ? – Tôi vặn hỏi.



-       Đúng là “già đầu còn dại, có cháu ngoại còn ngu”. Chú phải biết chú là ai, đang sống dưới thể chế chính trị nào. Theo tôi, có 2 lý do mà chú thua kiện:



     1/ Chú quên mất, thời nay lẽ phải nằm trong tay người có quyền, có tiền. Và bộ chú không nghe, dưới chế độ độc tài phong kiến, người dân oán thán: “Bộ binh, bộ hộ, bộ hình. Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi” – Hễ 3 bộ đồng tình thì vú ai chẳng bóp được ?.



     2/ Chú không phải dân “ngoan” mà là dân “ngang”: Cuối thập niên 80 của thế kỷ 20 Chú từ nhiệm, trả thẻ Đảng; Cuối thập niên 10 của thế kỷ 21 nầy chú viết bài “CHẠY” (1). Đã chạy mà còn “nghinh” - Chủ nghĩa Xã hội là chỗ “nhạy cảm”, như là bàn thờ tổ của người ta mà chú nhè vào đó chôm chỉa châm chích. Từ lâu người ta đã liệt chú vào loại “bất đồng chính kiến” rồi còn gi? .

Nhưng mà, đã chấp nhận làm đĩ thì tránh sao khỏi đau mình ? Chú không nên buồn, phải chấp nhận thua đau. Dầu sao, trong vụ kiện nầy, cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn thực chất ngành Tư pháp nước nha?.



Qua dẫn giải chân tình của anh bạn chí thân, tôi tự nhủ: Kiện hết các cấp Tòa Quốc gia, chẳng lẽ kiện ra Quốc tế. Thôi thì, chỉ còn lấy câu thơ của Ông Lành (Tố Hữu): “Rắn mình em chịu có sao đâu” để tự trấn an. Và nếu trần nhà chẳng may bị sập thì lấy khí phách của tướng Hoàng Diệu ra đối đời: “Nếu mà thành quách vỡ tan, hãy bươi gạch vụn mà tìm xác ta”.



15/08/2017

Thiện Tùng



Chú thich:

(1)  Nếu muốn tham khảo bài Tùy bút “CHẠY” hãy gõ: Tùy bút “CHẠY” của Thiện Tùng.