10 octobre 2017

NHỮNG LỜI TÂM HUYẾT GỬI CHO AI


Tương Lai


Nguyễn Trung - Tương Lai



Đó là câu hỏi tôi đặt ra với anh Nguyễn Trung trong cuộc nói chuyện điện thoại kéo dài 45 phút anh ấy gọi cho tôi hôm 2.10.2017. Xin ghi lại nội dung thay cho một bài “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi” số 16.

*Chuyện dài lắm, anh bay ra đây đi. Lâu rồi anh chưa ra Hà Nội. Phải trao đổi dài dài mới rõ ra được

**Thế thì anh bay vào đây đi. Từ hôm gặp nhau nhân kỷ niệm ngày sinh anh Sáu Dân ở nhà tôi năm ngoài thì chỉ thiếu một tháng là đầy một năm rồi đấy. So với hôm tôi ngồi ở nhà anh với Nguyễn Quang Dy tại Hà Nội thì chỉ 8 tháng, còn ngắn hơn đấy. Vào ngồi trước ấm trà mới nói được kỹ.



*Đúng vậy, nhưng chắc là hơi khó.

**Thế thì đành qua Iphone vậy. Để tôi chuyển qua WhatsApp cho tiện. WathsApp thì thằng Tàu mới cấm, chứ ở ta hiện tại thì chưa, không hiểu sắp tới ông Trọng có noi gương ông Tập mà ra lệnh cấm không, chứ hiện nay thì ta cứ tranh thủ. Chỉ là vì khỏi tốn tiền, cái ví của tôi lép kẹp nên tôi bị ức chế khi nói dài qua điện thoại chứ không phải sợ bị theo dõi đâu. Nếu người ta theo dõi được thì hay quá, vì sẽ giúp thêm bằng chứng cho sự minh bạch và công khai trong nội dung chúng ta trao đổi với nhau. Anh cũng như tôi đều đã đặt thẳng ra với ông Nguyễn Phú Trọng trong các bài viết dài, ngắn, riêng tôi thì có Thư Ngỏ gửi trực tiếp và có lần trao đổi thẳng với ông Tổng Bí Thư tại Hội trường của Đại hôi Mặt trân Tổ Quốc Việt Nam tại Hà Nôi rất chi là thẳng thắn và thoải mái cơ mà. Mà chỉ là những lời tâm huyết vì nước vì dân chứ đâu phải chuyện đôi co cá nhân.

*Vậy thì anh nói đi, tôi gọi là để muốn nghe anh nói về những điều tôi vừa viết và nhân thể cám ơn anh là anh đã kịp đưa lên “Điểm tin đáng đọc” trong “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 15” đưa lên mạng ngày 1.10.2017.

**Những vấn đề anh đưa ra lần này cũng là tiếp tục những vấn đề đã nhất quán trong nội dung đã từng đưa kể từ bài “Thời cơ vàng” mà tôi đã đề nghị nên nối thêm với ba từ nữa liền kề “hiểm họa đen” ở giữa có từ “”. Cũng xin nói thêm là dạo ấy anh Việt Phương, người mà anh nhắc đến nhiều lần trong bài này, cũng đồng ý với tôi là nên như vậy khi tôi đến hỏi thêm ý kiến a. Việt Phương về bài của anh. Càng ngày càng thấy những lời tâm huyết máu trào lên đầu ngọn bút của anh chỉ nhận được sự im lặng của những kẻ cầm quyền ngoan cố. Thậm chí, mà theo tôi trên một khía cạnh nào đó còn tệ hại hơn, có người vốn hiểu anh, hiểu chúng ta quá rõ và nay vẫn thỉnh thoảng dựa vào cái chức danh quá khứ lên giọng dạy đời mà tôi chẳng muốn nhắc tên của anh ta ra đây làm gì, đã rót vào tai những người đang nắm quyền lực là phải cảnh giác với những tư tưởng trong “thời cơ vàng” của Nguyễn Trung.Và rồi những “hiểm họa đen” vẫn cứ dìm đất nước chìm sâu vào bế tắc toàn diện. Nhưng phải chăng cũng vì thế mà bài này quyết liệt hơn, sức công phá mạnh mẽ hơn. Trong cảm nhận của tôi thì ý nổi bật trong lần trình bày này là vạch trần bản chất của mối quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc:

 “Một trong những cái lầm chết người từ Thành Đô đến nay là ta bị «16 chữ và 4 tốt» mê hoặc, cứ tưởng ta giống Trung Quốc, nên có thể đi với nhau, dựa vào nhau, học nhau, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội  .., mà quên mất ta không hề, không bao giờ, và không thể giống Trung Quốc về bất kỳ phương diện nào, nhất là quên khuấy đi mất trước sau ta chỉ là cái đích của Trụng Quốc!

Xin nhắc lại: ĐCSVN không bao giờ giống ĐCSTQ, nên không thể và không được làm theo TQ! Đừng bao giờ quên điều chết người này”!

Đoạn sau đây tuy ngắn nhưng hàm lượng thông tin cao, tính công phạt lớn:

– Trung Quốc của một đế chế hồi sinh luôn luôn cần một đảng độc tài toàn trị cực mạnh để giữ cho Trung Quốc khỏi tan rã thành những nước nhỏ, và để tạo lực chiếm ngôi bá chủ trên thế giới. Mao Trạch Đông đã nhiều lần khẳng định công khai: ĐCSTQ là vô thiên vô pháp, trời cũng không so được! Cứ nhìn những gì đẫm máu đã xảy ra ở TQ và những hành vi của TQ trên thế giới từ thời Mao cho đến hôm nay, sẽ thấy quan điểm «vô thiên, vô pháp, mục tiêu biện minh cho biện pháp» của Mao là xuyên xuốt toàn bộ hệ thống chính trị Trung Quốc về đối nội cũng như đối ngoại.

– Nhưng Việt Nam là một láng giềng sát nách lại cần một đảng cầm quyền xây dựng cho quốc gia mình một thể chế chính trị dân chủ lành mạnh, để phát huy hết mức sức mạnh dân tộc và tranh thủ dược cả thế giới hậu thuẫn, qua đó mới có thể tồn tại và trở thành một láng giềng được tôn trong của Trung Quốc! Việt Nam không làm được như thế thì chắc chắn sẽ chỉ là cái đích TQ đã bỏ túi.

Hiển nhiên như ban ngày: Xem vậy nhiệm vụ chính trị đối với quốc gia của 2 đảng Trung Quốc và Việt Nam đối nghịch nhau như giữa đen và trắng vậy. Đừng giây phút nào mơ hồ điều này! Đừng để cho lăng kính ý thức hệ nhìn lệch sự thật này”.

Đại họa của dân tộc khởi nguồn từ sự nhầm lẫn này, nhất là từ thời Nguyễn Văn Linh bị Trung Quốc mua chuộc và nắm gáy do cái nhìn thiển cận và đố kỵ đã chui đầu vào cái thòng lọng Thành Đô, và đến thời Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng thì trên thực tế đã từng bước thực thi kế sách thâm hiểm của Bắc Kinh, lệ thuộc vào Bắc Kinh, từng bước biến Việt Nam thành chư hầu của Trung Quốc. Không gỡ được cái nút này thì mọi chuyện anh nêu đều trở thành ảo mộng! Đấy là cái ý thô thiển của tôi xin nói thẳng, chẳng vòng vo gì nữa. Chắc anh Việt Phương cũng đã nhiều lần nói với anh chuyện này khi trao đổi về công việc mà chúng ta cần tiếp tục theo ý nguyện của anh Sáu Dân.

Tôi rất đồng ý với nhận định của anh: “Bộ chính trị hồi đó luôn luôn nhắc nhở phải độc lập tự chủ trong tư duy và cảnh giác với mọi thâm nhập từ bên ngoài và giáo điều, quyết không để cho bên ngoài – dù là ai – can thiệp vào đường lối cách mạng của mình.

Nghị quyết 15 về đẩy mạnh kháng chiến cứu nước của ta và Nghị quyết 9 về đối ngoại là những vị dụ tiêu biểu về kiên định độc lập tự chủ trong tư duy chiến lược và trong hành động, quyết gạt bỏ mọi ảnh hưởng, tác động, áp lực từ bên ngoài, để thực hiện đến cùng mục tiêu chiến lược giành lại độc lập thống nhất đất nước”.

Trong bối cảnh của sự bế tắc về đường lối do sự rối loạn về nhận thức lý luận hiện nay, càng cần phải nhắc lại những điều trên để khẳng định bản lĩnh độc lập tự chủ trong tư duy chiến lược và trong hành động cụ thể có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đấu tranh hiện nay.

Cùng với vấn đề trên, tôi cũng chia sẻ với anh về vấn đề hình thành một Đảng của dân tộc, trở lại với tên Đảng Lao Động Việt Nam như anh đã viết: “nhiệm vụ cơ bản hàng đầu của một đảng lãnh đạo trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, khác hẳn với thời kỳ làm nhiệm vụ cách mạng giành độc lập và kháng chiến cứu nước! Đặc điểm mới này quyết định bản chất hoàn toàn mới của đảng, đồng thời đòi hỏi phải có đường lối và tổ chức mới của đảng mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề cập tới (thư 09-08-1995).

Xin nói thêm, cũng gần đấy thôi, có người đưa ra một ý rất nghiêm túc là: “Giải pháp tốt nhất để hạn chế bớt tính độc tài, toàn trị phản dân chủ đang dìm Đảng Cộng sản Việt Nam, và Đât nước trong vũng lầy của trì trệ và bế tắc là hình thành trở lại một Đảng Lao Động Việt Nam với những đặc điểm mới phù hợp với sự phát triển hiện nay để có tiếng nói phản biện với Đảng đang cầm quyền”.

Thực ra hồi ấy, khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mạnh dạn và thẳng thắn kiến nghị với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương một “đường lối mới và tổ chức mới của đảng đã bị các thế lực giáo điều, bảo thủ thẳng thừng gạt bỏ thì tiếp theo đó, như anh cũng đã biết, với bản lĩnh kiên cường của một người hiểu rõ sứ mệnh cao cả của mình, Võ Văn Kiệt vẫn quyết liệt tìm mọi cách thuyết phục, vận động những người có trách nhiệm mà ông có thể tác động đến cho đến khi ông vĩnh viễn ra đi. Trong những vấn đề ông đặt ra, cũng đã có lần ông gợi ra ý tưởng vừa nói ở trên cùng với viêc thúc đẩy hình thành những tổ chức nghiên cứu phản biện độc lập như cho ra đời Viện IDS…Đáng tiếc là những ý tưởng gợi ra ấy chưa định hình thành một giải pháp, một quyết sách cụ thể thì ông đã nằm xuống. Những việc mà chúng ta đang cố gắng đẩy tới hiện nay chính là góp phần thúc đẩy công việc còn dang dở của Ông, người mà chúng ta kính yêu.

*Thôi, không nhắc lại chuyện cũ thêm đau lòng. Trong sự quan tâm của Anh Sáu Dân về việc hình thành những tổ chức nghiên cứu độc lập, những “Think tank”, tôi rất day dứt muốn ai đó làm sáng tỏ một vấn đề hết sức hệ trọng mà trong rất nhiều buổi làm việc anh Sáu Dân đã đặt ra và bây giờ tôi gợi lại với anh. Về mặt xã hội học, tôi băn khoăn tại sao xã hội nước mình chậm phát triển như thế này, nhất là về mặt dân trí và... về cái điều chúng ta vẫn tự hào, nhưng nay cũng nên xem lại: truyền thống dân tộc. Chẳng lẽ dân tộc ta chỉ anh hùng trong chống ngoại xâm thôi sao, và vô cùng khó tự khẳng định mình trong thời bình? Trăm sự đổ tất cả cho chế độ chính trị, cho chuyện “ý thức hệ” nghe chừng cũng không ổn lắm. Chờ mong lời giải của anh.

** Đây là câu chuyện lớn và thú vị. Trao đổi chuyện này cần phải có thời gian anh ạ. Sẵn đây, tôi chỉ xin chia sẻ vói anh một điểm thôi: Tôi hay suy ngẫm về cái kết cấu hạ tầng tâm lý xã hôi [infrastructure socio-psychologique] của một xã hội nông nghiệp lạc hậu kéo dài hàng bao thế kỷ chẳng mấy thay đổi. Con người ngụp lặn trong vũng lầy lưu cữu bao đời ấy rất khó để tiếp nhận được cái ý tưởng "chuẩn mực chính là sự thay đổi". Năng suất lao động quá thấp, xã hội nặng nhọc nhích từng bước, con trâu đi trước cái cày theo sau, ì ạch rút bàn chân lún trong bùn, năng suất có vậy thì nhu cầu làm sao cao hơn được! Bao đời vẫn chỉ có mơ ước “cơm ba bát, áo ba manh, đói không xanh, rét không chết” với niềm an ủi “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Cái cày chìa vôi đời nhà Lý thế kỷ XI vẫn còn phổ biến tận cuối thế kỷ XX, thậm chí có nơi trong thế kỷ XXI này vẫn còn hữu dụng! Đời sống của tuyệt đại bộ phận gia đình nông dân khốn khó triền miên năm này sang năm khác nên có chút cải thiện là đã dễ tự bằng lòng! Con người sống trong cái khung cảnh xã hội [social framework] ấy không phải với tư cách công dân, mà chỉ là thân phận thần dân chịu ơn “mưa móc”, được ban tí chút “ân huệ” là đã dễ dàng “chịu ơn trên”.

Nhìn lại lịch sử trong một thời gian kéo quá dài rất hiếm những cải tiến về công cụ lao động, kỹ thuật canh tác. Xã hội của nền sản xuất tự cung tự cấp, trọng nông ức thương không sao chuyển nổi sang kinh tế hàng hóa trong nhiều thế kỷ. Sau Cách mạng tháng 8, cuộc cách mạng xã hội duy nhất theo đúng nghĩa, thì lại phải dồn hết gân sức trí não cho ba cuộc kháng chiến. Khi non sông quy vào một mối thì lại bập vào cái mô hình sai lầm của Liên Xô nhân danh cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin” đối lập với kinh tế thị trường khiến cho nền kinh tế lụn bại, xã hội lâm vào khủng hoảng. Cho nên, anh nói là “đổ hết cho chế độ chính trị, cho ý thức hệ nghe chừng cũng không ổn lắm” thì theo tôi vừa đúng, vừa không đúng. Chính cái chế độ kế hoạch hóa tập trung bao cấp là sự tiếp tục tệ hại thói xin cho, thủ tiêu tính năng động xã hội thì làm sao phát triển kinh tế, xây dựng đất nuớc?

Con người bị giam cầm trong cái khung cảnh xã hội ấy đã bi tha hóa không còn được chính là mình nữa cả người cai trị lẫn người bị cai trị, người cầm quyền lẫn người bị tước đoạt quyền, ở đây là quyền công dân, quyền làm người. Thủ phạm là ai thì cũng đã rõ, nhưng với một cái nhìn thật nghiêm minh và thật sự khách quan thì thủ phạm cũng là nạn nhân của chính họ. Quyền lực tuyệt đối thì sự tha hóa cũng tuyệt đối, quy luật ấy đã làm băng hoại những giá trị từng được xây đắp nên. Tôi muốn mượn lời cảnh báo của M. Gorky năm 1918 về văn hóa lâm nguy một năm sau sự kiện cách mạng tháng Mười Nga 1917 để nói lên điều này: “cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng”!

Để nói rõ hơn điều này, xin dẫn ra đây sự phân tích sâu sắc của Gustave le Bon, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Tâm lý học đám đông”: “trong đám đông, tư tưởng, tình cảm, xúc động, niềm tin có khả năng lây nhiễm mãnh liệt như khả năng của vi trùng”! Nhà tâm lý học người Pháp chỉ rõ cái “khả năng lây nhiễm” ấy là đáng sợ ở chỗ: “chính bằng cơ chế lây nhiễm chứ không bao giờ là cơ chế suy luận mà những ý kiến và niềm tin của đám đông được truyền bá”.

Nhìn từ một bình diện khác, tư tưởng trở thành sức mạnh khi nó thâm nhập được vào quần chúng, nhưng “quần chúng không quần chúng như ta tưởng”, những điều vừa dẫn ở trên cho thấy một đám đông bị đầu độc một cách có bài bản và hệ thống sẽ là một trở lực khủng khiếp cho cái mới ra đời và phát triển. Một bộ máy tuyên truyền được xem là công cụ mầu nhiệm để bảo vệ chế độ được triển khai rộng khắp và mở hết công suất có khả năng duy trì một thói quen, một tập quán trì trệ và lạc hậu đủ sức bóp chết những nhân tố mới vừa manh nha chưa kịp định hình. Vì thế, nạn nhân khốn khổ bị trói chặt trong cái khung cảnh xã hội được định hình bởi cái mô hình tệ hại nói trên là quảng đại quần chúng nhân dân cũng không hoàn toàn vô can!

Ngẫm cho kỹ, những bức tường đang bao vây cuộc sống chúng ta, xét tới cùng, cũng do chính bàn tay tự nguyện hay không tự nguyện của chúng ta xây nên. Anh ở Đức lâu, am hiểu văn hóa Đức, chắc thấm thía câu của Berger, nhà xã hội học Đức "chúng ta bị giam cầm bởi chính sự hợp tác của chúng ta”! Đấy là nhà xã hội học nói về cái xã hội của ông ta, một xã hội công nghiệp phát triển, đã từ rất lâu rồi bỏ lại đằng sau sự trì trệ của nền sản xuất lạc hậu, huống hồ ở Việt Nam ta của một thời, xứ sở của “nền chuyên chế của tập quán đã đã hoàn tất triệt để…Ở đó, tập quán là tiếng nói quyết định cuối cùng” mà J. Mill phân tích trong tác phẩm lừng danh “Bàn về tự do”!

Sẽ không thể nói dài hơn nữa trong cuộc trao đổi ngắn này mặc dầu tôi hiểu được rằng những điều tôi vừa sơ lược gợi ra ở trên gắn liền với giải pháp anh đưa ra: “Học hỏi là động lực trí tuệ xuyên suốt quá trình này – vì thế tôi gọi đó là thể chế chính trị đa nguyên của học hỏi, của giác ngộ, của phát triển, bởi vì nó được xây dựng từng bước và thường xuyên nâng cao theo tiến trình của giác ngộ và phát triển; nó khác hẳn với đa nguyên của bầy đàn, vô minh và hỗn loạn. Nói đơn giản: Đó là lấy mở rộng tự do dân chủ tạo ra giác ngộ của trí tuệ và đồng thuận xã hội làm động lực cho việc tiến hành cải cách, để từng bước xây dựng nên một thể chế chính trị mới”.

Xin tạm dừng ở đây để còn tiếp tục vào một dịp sắp tới.



8.10.2017