04 octobre 2017

Vụ 6000 công nhân Venus đình công: Công ty chấp nhận một số kiến nghị, công nhân tiếp tục đình công


 
Công nhân Công ty Giầy Venus Thanh Hóa đình công đòi quyền lợi


Sau khi hơn 6.000 công nhân Công ty Giầy Venus ở Hà Trung, Thanh Hóa đình công đòi quyền lợi, phía công ty đã có phản hồi và thông báo sẽ đáp ứng nhiều yêu cầu của công nhân. Tuy nhiên nhiều công nhân vẫn tiếp tục đình công vào sáng 3.10.



Công ty Giầy Venus cho biết sẽ quy hoạch những vị trí đất trồng phù hợp để lấy đất trống làm bãi đỗ xe cho toàn bộ cán bộ, công nhân. Vị trí xe sẽ được sắp xếp gần nơi làm việc và việc này sẽ được hoàn thành vào 9.10. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ xây lại nhà ăn cũ, nhờ chuyên gia đánh giá lại chất lượng nhà xưởng và sẽ cải thiện.

Về phản ánh thiếu nước uống cho người lao động, công ty cho biết lý do là thời gian qua nhà máy nước sạch Hà Trung không cung cấp đủ nước nên xảy ra tình trạng thiếu nước cho công nhân trong thời gian qua. Hiện nay, công ty đã khắc phục bằng các đầu tư đường ống mới và bố trí các máy lọc nước để cung cấp nước cho người lao động.

Công ty này cũng cho biết sẽ cho người lao động nghỉ phép năm theo đúng quy định của Bộ luật Lao động. Đồng thời, về phản ánh quản lý xúc phạm người lao động, công ty cho biết sẽ xử lý nghiêm và quan điểm là nghiêm cấm việc xúc phạm người lao động; Về việc người lao động hết giờ làm việc vẫn phải quẹt thẻ để làm tiếp và ép người lao động làm việc vào buổi trưa, công ty sẽ yêu cầu chấm dứt tình trạng này và xử lý nghiêm quản lý vi phạm.

Về đề nghị trả lại sổ bảo hiểm xã hội, công ty cho biết Bảo hiểm xã hội huyện Hà Trung đã thu, mới chỉ trả cho công ty 2.400 sổ, còn khoảng 2.600 sổ chưa giao. Công ty hứa sẽ giao cho công nhân trong tháng 10.2017.

Như vậy, theo thông báo này, công ty chỉ hứa hẹn đáp ứng một số nội dụng kiến nghị của công nhân như yêu cầu có chỗ để xe, nước uống… còn lại hai yêu cầu khác là nhà ăn và nghỉ trước giờ tăng tối vẫn chưa được đáp ứng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết, sáng cùng ngày ông cùng với lãnh đạo các ban ngành địa phương đã đến trực tiếp Công ty Giầy Venus cùng nhà máy đối thoại với công nhân. Theo đó, đã thống nhất 14 điểm liên quan đến các yêu cầu của công nhân, đồng thời có văn bản gửi đến các cơ quan có liên quan để nắm thông tin cũng như theo dõi các điểm cam kết và yêu cầu nhà máy thực hiện đúng lộ trình như đã cam kết với công nhân.

Ông Tuấn thông tin thêm, đây là công ty giải quyết công ăn việc làm lớn nhất trên địa bàn huyện Hà Trung vì thế phải đảm bảo về quyền lợi về pháp luật lao động cho công nhân theo đúng các quy định của nhà nước.

Trao đổi với báo chí, ông Ngô Tôn Tẫn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho biết các ý kiến của công nhân đã được chủ sử dụng lao động chấp thuận và từng bước giải quyết. Còn một só kiến nghị của người dân đòi hỏi cao hơn quy định pháp luật thì rất khó đáp ứng vì không có cơ sở.

Tuy nhiên, đến sáng hôm nay, nhiều công nhân vẫn không đồng tình với hứa hẹn của công ty và tiếp tục đòi quyền lợi.

Như đã đưa tin, ngày 2.10, khoảng 6.000 công nhân Công ty TNHH giày Venus Việt Nam đình công. Lý do là Công ty TNHH giày Venus Việt Nam vừa ra thông báo không cho bất kỳ công nhân nào được gửi xe trong nhà xe của công ty, phải gửi ở ngoài. Khu vực nhà xe, công ty này sẽ sửa chữa và chuyển thành nhà ăn.

Mặc dù công ty hỗ trợ tiền gửi xe máy là 50.000đ/xe/tháng nhưng công nhân cho biết họ không đồng tình vì gửi xe bên ngoài cách xa nơi làm việc, không đảm bảo tài sản và ảnh hưởng tới giờ vào xưởng làm. Do đó, công nhân đã gay gắt phản đối điều này.

Bên cạnh đó, công nhân cũng phản đối việc công ty cho nghỉ thời gian quá ít ỏi để ăn tối. “Công nhân chúng tôi muốn nghỉ 30 phút trước giờ tăng ca tối để ăn cơm thay vì chỉ có 10 phút thì phía công ty cho rằng như thế là vi phạm luật về lao động. Chúng tôi đã kêu nhiều tháng trời nhưng không được công ty đáp ứng”, một công nhân cho biết.

Các công nhân cũng cho rằng, mặc dù công ty có hơn 6.000 công nhân nhưng nhà ăn của công ty chỉ đáp ứng được khoảng 1.000 người. Do đó vào giờ ăn trưa, số công nhân còn lại buộc phải ra sân ngồi. Công nhân cũng yêu cầu tổ trưởng, ca trưởng và quản đốc phân xưởng không được chửi bới, xúc phạm thậm tệ với công nhân trong công việc.


Hoài Phong
Nguồn: Theo MTG