24 novembre 2017

Ba lý do có thể khiến quan hệ nồng ấm Mỹ - Trung chấm dứt


Thời  kỳ "mặn nồng"  giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là nhất thời và sẽ sớm qua đi rất nhanh. Khi niềm hân hoan lắng xuống, ba yếu tố trong nước sẽ nổi lên, đẩy nước Mỹ theo hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc trong những năm tháng tiếp theo. Ratner gọi các yếu tố đó là "Ba chữ C".

Sức ép từ giới chính trị, thay đổi về chính sách và con người có thể khiến Mỹ sớm đưa ra quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc.



Vợ chồng ông Trump chụp ảnh cùng vợ chồng ông Tập tại Tử Cấm Thành. Ảnh: Reuters.




Tổng thống Mỹ Donald Trump có ấn tượng đặc biệt tốt đẹp với Trung Quốc khi tới thăm nước này trong chuyến công du châu Á hồi đầu tháng. Bắc Kinh đón tiếp ông Trump với những nghi thức trọng thị nhất cho chuyến thăm mà họ gọi là "trên cả cấp nhà nước" này, từ trải thảm đỏ, bắn đại bác, cho tới mời vợ chồng Tổng thống Mỹ ăn tối trong Tử Cấm Thành, theo Interpreter.

Ông Trump đáp lễ bằng những lời ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình, cùng với đó là sự ngưỡng mộ không hề giấu giếm dành cho Trung Quốc. "Tôi chưa từng thấy thứ gì đẹp đến thế này", ông bình luận về cuộc diễu binh Trung Quốc tổ chức để chào đón ông tại thủ đô Bắc Kinh.

Ely Ratner, chuyên gia về Trung Quốc tại Hội đồng Đối ngoại (CFR), cho rằng những lời lẽ đầy hoa mỹ này của ông Trump trái ngược với giọng điệu mà ông đưa ra trong giai đoạn tranh cử, khi ông cáo buộc Trung Quốc "cưỡng bức" nước Mỹ. Điều này khiến nhiều chuyên gia phân tích phương Tây nhận định Washington đã thay đổi hoàn toàn hướng tiếp cận với Bắc Kinh theo hướng mềm mỏng hơn. Truyền thông Trung Quốc cũng tràn ngập những bài viết mang âm hưởng tích cực về quan hệ Trung – Mỹ trong tương lai.

Tuy nhiên, Ratner cho rằng thời kỳ "mặn nồng" này giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là nhất thời và sẽ sớm qua đi rất nhanh. Khi niềm hân hoan lắng xuống, ba yếu tố trong nước sẽ nổi lên, đẩy nước Mỹ theo hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc trong những năm tháng tiếp theo. Ratner gọi các yếu tố đó là "Ba chữ C".

Chuyên gia này nhận định chữ "C" thứ nhất sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ Mỹ - Trung chính là con người. Chính quyền Trump đang dần dần hoàn thiện đội ngũ con người phụ trách các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Điều đáng chú ý là các ứng viên cho những vị trí này đều gần như có chung một quan điểm về nhu cầu phải xây dựng một chiến lược ganh đua quyết liệt hơn với Trung Quốc.

Randall Schriver, chính trị gia có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, nhiều khả năng sẽ được bổ nhiệm làm Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách châu Á – Thái Bình Dương. Ông Schriver từng điều hành tổ chức tư vấn có tên Viện Dự án 2049 chuyên nghiên cứu về an ninh châu Á. Theo Defense News, một cựu quan chức Lầu Năm Góc mô tả ông Schriver là người "rất cứng rắn" cùng "cái đầu lạnh và suy nghĩ thấu đáo".

Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, có thể sẽ được ông Trump bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Australia. Ông Harris là người nổi tiếng với quan điểm cứng rắn đối với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Hãng tin Kyodo của Nhật từng cho rằng Trung Quốc đã gây sức ép với Mỹ để sa thải ông Harris để đổi lấy việc tăng cường hợp tác, tuy nhiên Bắc Kinh bác bỏ thông tin này.

Các chuyên gia cho rằng đội ngũ châu Á này sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến chính sách tương lai của chính quyền Trump với Trung Quốc. "Việc Mỹ lựa chọn các chuyên gia cho những vị trí về chính sách là dấu hiệu rất mạnh mẽ", Zack Cooper, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói. "Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chính quyền Trump đang phải đối mặt với nhiều thách thức khắp châu Á".

Chữ "C" thứ hai mà Ratner đề cập là chính sách. Chính quyền Trump rốt cuộc đã bắt đầu quá trình xây dựng và vận hành chính sách về an ninh quốc gia, với hai văn kiện chiến lược lớn sẽ được đưa ra trong những tháng tới là Chiến lược Quốc phòng và Chiến lược An ninh Quốc gia.

Các chuyên gia dự đoán rằng trong hai văn kiện quan trọng này, Trung Quốc sẽ được mô tả là đối thủ chiến lược đầu tiên và lớn nhất của Mỹ. Tuy không phải là những văn kiện phản ánh toàn bộ chính sách đối ngoại của Mỹ, hai chiến lược này sẽ định hướng và tác động đến những quyết sách hàng ngày về châu Á của chính quyền Trump.

Trong tương lai, ngoài cuộc khủng hoảng Triều Tiên, Mỹ sẽ phải chú trọng đến những vấn đề về chính sách đối ngoại khu vực khác như Đài Loan hay Biển Đông, khiến khả năng xảy ra bất đồng với Trung Quốc sẽ cao hơn, Ratner dự đoán.

Chữ "C" thứ ba và quan trọng nhất trong việc đẩy Mỹ ra xa Trung Quốc hơn là chính trị. Rất nhiều thành viên đảng Dân chủ và thậm chí là đảng Cộng hòa sẽ có những phản ứng quyết liệt để Trump thể hiện lập trường quyết liệt hơn với Bắc Kinh. Ratner cho rằng tâm lý chung trong giới chính trị ở Washington hiện nay là ông Trump chưa tìm ra cách đối phó hợp lý với Trung Quốc.


Ông Trump hết lời ca ngợi Trung Quốc sau chuyến thăm đến Bắc Kinh. Ảnh: AP.

Lãnh đạo phe thiểu số tại thượng viện Chuck Schumer chỉ trích ông Trump "không khác gì hổ giấy" trong vấn đề Trung Quốc. John Cornyn, thượng nghị sĩ đứng thứ hai của đảng Cộng hòa tại thượng viện, gần đây trình dự luật nhằm tăng cường giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ, cho rằng đã đến lúc thức tỉnh trước các mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc với nền kinh tế Mỹ.

Phe cánh hữu theo chủ nghĩa dân túy trong đảng Cộng hòa của ông Trump chính là những người đầu tiên nêu ra vấn đề này vào năm 2016, khi cáo buộc Trung Quốc là thủ phạm khiến người Mỹ mất việc làm tại các nhà máy.

Theo Ratner, ông Trump sẽ phải đối mặt với hai phép thử lớn trước mắt là cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào năm 2018 và bầu cử tổng thống vào năm 2020, khiến ông cảm nhận được sức ép ngày càng lớn từ mọi phía phải thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử, trong đó có việc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối với tình trạng thương mại bất bình đẳng.


Khả năng đối phó Trung Quốc của Mỹ


Nhiều chuyên gia cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, ngay cả khi chính quyền Trump muốn thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, họ cũng rất khó thành công do sự suy giảm vị thế của Washington cũng như sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh.

Trong bài viết trên tạp chí Time hồi giữa tháng, Ian Bremmer, chuyên gia tại Eurasia Group, cho rằng cuộc ganh đua giữa Mỹ và Trung Quốc đã chấm dứt với phần thắng nghiêng về Trung Quốc. Quan điểm này càng được củng cố với việc ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP và hiệp định biến đổi khí hậu Paris, trong khi ông Tập thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với toàn cầu hóa và thương mại đa phương.

Tuy nhiên, theo Ratner, bức tranh châu Á phức tạp hơn thế rất nhiều. Dù tỏ ra lo ngại về chính sách của Trump, các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cũng thể hiện sự kháng cự mạnh mẽ trước nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Việc 11 quốc gia thông qua hiệp định CPTPP thay thế TPP tại hội nghị APEC vừa qua được cho là biểu hiện cho một nỗ lực tập thể trong khu vực nhằm tránh một trật tự kinh tế do Trung Quốc dẫn dắt.

Tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra ở Manila vừa qua, lần đầu tiên trong 10 năm, các quan chức cấp cao Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia có cuộc gặp "Bộ tứ" để bàn về việc tăng cường hợp tác. Khuôn khổ hợp tác bốn bên này cũng được coi là dấu hiệu của nỗ lực chống lại kịch bản khu vực xoay quanh Trung Quốc trong tương lai.

Tỷ lệ ủng hộ ông Tập và bà Merkel trong cuộc khảo sát dư luận của Pew. Đồ họa: PEW.

Ratner cũng chỉ ra rằng tuy ông Tập nắm giữ quyền lực rất lớn trong nước, ảnh hưởng của ông ở nước ngoài chưa được thể hiện mạnh mẽ. Theo khảo sát mới đây của Pew, số người nước ngoài ủng hộ ông Tập chỉ ở mức 28%, trong khi số người không ủng hộ là 53%, dù Bắc Kinh đã chi hàng tỷ USD để cải thiện hình ảnh quốc gia trên toàn cầu. Điều này cho thấy vẫn còn quá sớm để tuyên bố Trung Quốc đã giành chiến thắng trước Mỹ trong cuộc ganh đua ở châu Á – Thái Bình Dương.

Trí Dũng

Nguồn: Theo VNE